Bí kíp chống trộm lộc
Tết đến, với quan niệm cành lộc phải do tự tay bẻ về, chứ không mua, nên đầu năm mới người ta có thói quen đi hái lộc, đặc biệt là lộc trong chùa, chính vì vậy các cây cảnh, cây lâu năm trong chùa thường bị trụi thùi lụi sau ngày mùng 1. Để phòng tránh chuyện này một số ngôi chùa đã “tỉnh đòn” đối phó, các sư tăng cất sạch những cây dễ ngắt cành bẻ lá như mẫu đơn, hoa đại, đỗ quyên... và chuyển ra vị trí... thuận lợi các loại cây cao vút như cau, dừa.
Một số cây không thể di chuyển sẽ được gắn lủng lẳng các tấm biển ghi tên như “Cây đen đủi”, “cây xui xẻo”, “cây hao tài tốn của”... v.v... Với chiêu thức này, nhà chùa hy vọng cây lá trong chùa sau mấy ngày Tết vẫn bình an.
Bánh chưng nhựa, giò lụa cao su
Ngày trước, các cụ thường nói: “No 3 ngày Tết, đói 3 tháng hè”, ý nói rằng ngày tết đồ ăn thức uống luôn ê hề, người ta chỉ trông đến tết để được ăn no, ăn ngon. Ngày nay, do kinh tế đất nước ngày càng phát triển, nên việc ăn uống đã không còn quan trọng nữa, những món ngày xưa chỉ tết mới có như Bánh chưng, giò lụa thì giờ ngày thường cũng có và không ai thèm chúng cả.
Nhiều nhà thắp hương xong không ăn đến lại để mốc, chính vì vậy để tiết kiệm, một số nhà sản xuất đã có sáng kiến tung ra các mặt hàng bánh chưng, giò lụa... bằng nhựa, cao su vừa đẹp vừa không thiu mốc, tiện thắp hương. Sáng kiến này hiện đang được đại đa số bà con ủng hộ, giàu có không có nghĩa là lãng phí, đó chính là tiêu chí đánh giá mức độ “biết chơi tết” ngày nay.