Năm 2021, Na Uy thông qua một đạo luật do chính quốc vương Harald V ban hành mà thoạt nghe có vẻ kỳ quặc khiến nhiều người trên thế giới ngạc nhiên, ấy là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền hoặc bỏ tù nếu dùng app "sống ảo" chỉnh sửa ảnh nhưng lại không chịu chú thích rõ.
Nhưng với người dân Bắc Âu, đạo luật này chẳng có gì khiến họ ngạc nhiên vì văn hóa của họ vốn vẫn tuân theo Jantelagen, dịch nôm na là quy tắc "Khiêm tốn. Không khoe khoang". Tất nhiên, bao gồm cả việc không khoe mặt mũi chỉnh sửa quá ảo, không khoe thành tích của con cái và bản thân, không khoe đặc quyền đặc lợi hay của cải.
Một cách để "khẳng định địa vị xã hội"?
Mười điều luật của Jante được "khắc cốt ghi tâm" ở khắp vùng Scandinavia (bao gồm Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch và Iceland) suốt cả thế kỷ nay. Tác giả gốc Nigeria, Lola Akinmade Åkerström, Tổng Biên tập tờ Slow Travel Stockholm, đã viết trong cuốn "Bí quyết sống đẹp của người Thụy Điển" rằng "Jantelagen là một quy tắc xã hội bất thành văn không chỉ ở Thụy Điển mà còn nhiều quốc gia Bắc Âu khác.
Mọi người không được tỏ ra hào nhoáng hay khoe khoang thái quá. Đó là cách để có được sự bình đẳng cho tất cả người dân và loại bỏ những nguồn cơn gây căng thẳng trong cộng đồng". Trên bán đảo Scandinavia rộng lớn này, chưa bao giờ có ai nhìn thấy ai khoe khoang bất cứ thứ gì.
Ở những nơi mà khoảng cách giàu - nghèo không quá lớn như các quốc gia Bắc Âu thì cho dù quy tắc Jantelagen chưa từng tồn tại chăng nữa, cũng không ai thấy cần phải quá thèm muốn của cải của người khác, vì đời sống của họ rất cao nên mức độ chênh lệch không đáng kể.
Thậm chí ở nông thôn, người ta cũng sống trong biệt thự, ban công trồng kín hoa hồng, ai cũng có xe hơi để đi, cư dân đảo thì dùng canô, còn người giàu hơn sẽ có du thuyền neo trên cửa vịnh.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Khoe phát sinh từ nhiều lý do. Một trong những lý do phổ biến nhất là khi ta khoe khoang, đặc biệt khoe của, tức thì ta nhận được sự ngưỡng mộ của những người xung quanh. Còn nếu cứ khoe hoài mà chẳng ai mảy may đếm xỉa, thậm chí còn coi đó là lố bịch thì người khoe sẽ mất hẳn hứng khoe.
Có một nghịch lý hài hước rằng mặc dù Mỹ, Anh, Pháp, Ý là những quốc gia sản xuất các mặt hàng xa xỉ nhiều nhất nhưng lượng khách tiêu thụ hàng hiệu số 1 thế giới lại nằm ở Trung Quốc, Ấn Độ và… Việt Nam.
Theo khảo sát của Nielsen (công ty nghiên cứu thị trường và đo lường cho phép các công ty hiểu khách hàng và hành vi của người tiêu dùng, trụ sở chính ở New York - Mỹ với chi nhánh tại hơn 100 quốc gia), có tới 56% người Việt Nam (đa phần là trung lưu) sẵn sàng "chơi lớn" khi mạnh tay chi cho hàng hiệu, trong khi 2 nước đông dân nhất châu Á và cũng sở hữu nhiều tỉ phú nhất là Ấn Độ chỉ chiếm 59%, Trung Quốc 74%. Ông David Webb, Giám đốc quảng cáo của Nielsen, cho rằng: "Những người tiêu dùng châu Á đang tìm đến các thương hiệu lớn và nổi tiếng như là một cách để khẳng định địa vị xã hội của mình".
Trong khi đối với các dân tộc phương Tây, vật dụng hoàn toàn không phải là thứ gây ấn tượng lớn, khoe của là hành vi quê kệch thì ở không ít nước châu Á, đặc biệt trong thời đại lên ngôi của mạng xã hội (phương tiện thuận lợi nhất để khoe), người ta thường thể hiện những trạng thái trái ngược: "tự sướng", ngưỡng mộ quá mức hoặc ganh đua, đố kỵ đối với những thứ bề ngoài ấy.
Thực tế, có không ít người Việt thích khoe đến nỗi ngoài khoe của, khoe chồng, khoe con, khoe quà tặng trên mạng xã hội đã đành còn khoe cả việc được tiêm vắc-xin Covid-19 của Mỹ nhờ có "ông ngoại" giúp đỡ đặc cách nữa.
Hay hồi tháng 4-2021, khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, một cặp nam nữ nghệ sĩ đã gây khẩu chiến ngầm suốt 3 tuần trên mạng để… đọ siêu xe. "Ngôi sao" X khoe chiếc Rolls Royce 30 tỉ đồng thì lập tức bị "siêu sao" Y vỗ mặt chê xe rẻ tiền. Thậm chí, màn thách thức đọ xe ngoài đường phố còn thu hút đông đảo giới trẻ tham gia "tiền hô hậu ủng" và nhiều nhà báo đến đưa tin.
"Chiếc áo không làm nên thầy tu"
Nhà văn Dương Bá Trạc từng than rằng "ra ngoài đường thì cạnh tranh nhau kẻ khó người giàu, manh quần tấm áo; ngoài cái đó không hề phân biệt ông hay là thằng, bà hay là con nữa… Trong xã hội, mấy ai là người biết cân nhắc so sánh cái chân giá trị của người ta".
Trong cuốn "Thế hệ người giàu mới", tác giả Atsushi Miura phân tích ngay cả những người Nhật thượng lưu (chiếm 1% dân số Nhật Bản) cũng cố gắng tránh sự phô trương, thậm chí còn không xây biệt thự. Nên đôi khi người Nhật sống ngay sát vách một tỉ phú mà cũng không hay biết. Người giàu Nhật Bản có xu hướng chi tiền cho những khoản phi vật chất như du lịch, nghệ thuật hơn là vật dụng đắt tiền. Người Nhật và người phương Tây mặc định rằng "chiếc áo không làm nên thầy tu", vì vậy họ không có hứng thú phô trương quá đà vẻ bề ngoài.
Trong kho từ vựng tiếng Việt, "giàu sang" và "nghèo hèn" là một cặp phạm trù, bởi ông cha ta đã mặc định: Giàu thì đã thành sang, mà hễ nghèo khắc biến thành hèn? Nhưng thực tế cũng chứng minh lắm kẻ giàu chẳng sang mà chỉ là phường học đòi làm sang bởi xuất thân của họ và sự giàu lên nhờ cơ hội.
Dẫu có thế nào, khái niệm "quý tộc" cũng không bao giờ gắn liền với phô trương của cải. Khoe của có lẽ chỉ đính kèm với một định nghĩa khác là "trọc phú".