Quốc hội thảo luận luật Phòng, chống tham nhũng, kiểm soát "sân sau" của quan chức

Thứ tư, 13 Tháng 6 2018 11:00 (GMT+7)
Luật Phòng, chống tham nhũng được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến sắc sảo trong ngày 13/6.

Trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 5, hôm nay (13/6), Quốc hội thảo luận về dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trước khi thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải trình ý kiến của ĐBQH.

Báo cáo thẩm tra dự án luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp (UBTP) cho rằng, đây là một dự án luật hết sức quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên một số nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác PCTN, khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn thi hành luật, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta, bảo đảm tính khả thi, nhất là quy định về xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc; thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác PCTN khu vực ngoài nhà nước; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập...

Chính trị - Quốc hội thảo luận luật Phòng, chống tham nhũng, kiểm soát 'sân sau' của quan chức

Một trong những nội dung đáng chú ý của kỳ họp thứ 5 là Quốc hội thảo luận về luật Phòng, chống tham nhũng.

Đa số ý kiến UBTP tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước vì cho rằng, trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác PCTN khu vực Nhà nước.

Đồng thời, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực này cũng nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2017 của Bộ Chính trị là “từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước”; bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước về các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ và yêu cầu tại Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong khi chúng ta còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước. Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Về phạm vi mở rộng của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (bỏ quy định áp dụng đối với quỹ đầu tư).

UBTP tán thành với việc mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật vì cho rằng, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đồng thời đây là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện… do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả PCTN trong khu vực Nhà nước.

Nguồn: Dương Thu - (nguoiduatin.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị