ĐBQH tranh luận về mở rộng phạm vi điều chỉnh chống tham nhũng

Thứ tư, 13 Tháng 6 2018 13:43 (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong đề nghị “không mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước”.

Hôm nay (13/6), Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận dự án luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Theo ĐBQH Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, về phạm vi điều chỉnh như dự thảo là quá rộng. Trong khi nguồn lực của chúng ta hiện nay còn hạn chế, không nên đặt ra mục tiêu phòng chống tham nhũng một cách tràn lan, mà cần phòng chống tham nhũng có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt kết quả cao nhất.

Do đó, Đại biểu Phong đề nghị “không mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước”.

Ông Phong nhấn mạnh: “Đối với hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, môi giới hối lộ khu vực ngoài Nhà nước nếu đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Còn các khoản đóng góp huy động vốn, đóng góp của nhiều cổ đông hoặc các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện thì chúng ta tăng cường sự giám sát của Ban Thanh tra nhân dân hoặc giám sát của nhân dân trong việc sử dụng các khoản tiền huy động”.

Chính trị - ĐBQH tranh luận về mở rộng phạm vi điều chỉnh chống tham nhũng

ĐBQH Phạm Hồng Phong.

Vị Đại biểu đoàn Hậu Giang góp ý: “Đối với các hành vi như cửa quyền, hách dịch gây khó khăn phiền hà cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ công vụ. Đối tượng này thường gây khó chịu cho xã hội, cần phải chống. Chúng ta cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, xây dựng một nền hành chính tiên tiến thì đối tượng này sẽ tự mất đi.

Đối với nhóm tham nhũng có chức, có quyền: Chính đối tượng này mới gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước, làm mất lòng tin của nhân dân. Chúng ta cần phải tập trung nguồn lực của toàn xã hội để phòng chống tham nhũng đối với đối tượng này. Thực tế đã chứng minh những năm gần đây chúng ta đã tập trung nguồn lực “toàn đảng, toàn dân’’ về phòng chống tham nhũng đã đem lại kết quả tốt”.

Ông Phong dẫn chứng: “Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ trong 1 năm (kể từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/9/2017) đã xét xử về tội tham nhũng là 205 vụ án với 433 bị cao làm thiệt hại 1.521 tỷ đồng, 77.057 m2 đất, đã tuyên phạt 8 bị cáo mức án cao nhất tử hình và chung thân, thu hồi cho Nhà nước trên 329 tỷ đồng; 314.000USD và 3.700m2 đất. Đây mới là kết quả ban đầu trong phòng chống tham nhũng nên chúng ta phải tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa để phòng chống tham nhũng đối với đối tượng này mới đem lại kết quả".

Nguồn: Nguyễn Hường - (nguoiduatin.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị