Ngày 17-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.
Tất cả vì nước, vì dân
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các cử tri, Tổng Bí thư dành một phần đáng kể thời gian nói thêm về các vấn đề liên quan đến dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) đã được lùi thời gian thông qua sang kỳ họp thứ 6.
Tổng Bí thư cho hay Việt Nam có chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Thời đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi khảo sát khu vực Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) để thử nghiệm. Nhìn nhận đây là một cách để thu hút đầu tư và cũng là vấn đề "khó, mới, nhạy cảm, hệ trọng", Tổng Bí thư cho biết các bước làm đều rất thận trọng.
"Nghị quyết của trung ương cùng các chỉ thị đều có nêu rõ làm thế nào cho hiệu quả vì liên quan đến quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, làm sao vừa phát huy được sức mạnh trong và ngoài nước nhưng vừa bảo đảm chủ quyền. Đó là sự nhất quán. Còn thiết kế cụ thể thế nào, mỗi nước mỗi khác, mỗi khu vực mỗi khác" - Tổng Bí thư khẳng định.
Phân tích thêm về các vụ tuần hành, tụ tập đông người liên quan đến dự luật này, Tổng Bí thư chỉ rõ: "Khi có ý kiến đóng góp thì Đảng, nhà nước, Quốc hội thấy cần lắng nghe, tiếp thu, khi nào hoàn thiện được tốt mới thông qua. Chúng ta chưa thông qua để có thêm thời gian làm việc. Thế nhưng, từ chiều 8-6, đã quyết định dừng thông qua Luật Đặc khu mà đến ngày 10 và 11-6 vẫn biểu tình, chứng tỏ là có ý đồ khác".
Với nội dung khiến dư luận "dậy sóng" là quy định cho thuê đất không quá 99 năm với trường hợp đặc biệt, Tổng Bí thư khẳng định: "Không phải bàn giao cho nước A, nước B nào thuê được vào tự do mà tùy từng dự án cụ thể… Cho người ta thuê là ở từng dự án chứ không phải là vào xâm chiếm nước ta. Tất cả đều vì nước, vì dân thôi chứ không có mục đích nào khác, không ai dại dột, ngây thơ giao đất cho nước ngoài để người ta vào đây". Tổng Bí thư mong muốn cử tri hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, Chính phủ; phê phán, đập tan âm mưu phá hoại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 17-6
Không thể muốn nói gì thì nói
Cho biết trên thế giới có rất nhiều nước có luật về an ninh mạng, Tổng Bí thư khẳng định phải có luật này để bảo vệ an ninh mạng, an ninh quốc gia và quyền công dân, "không thể để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi"! "Lần này chúng ta thông qua Luật An ninh mạng để có thể trị những ai lợi dụng chống phá, để mọi người dùng mạng một cách thuận tiện nhất" - Tổng Bí thư nói.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đề cập việc lợi dụng mạng xã hội, internet để tuyên truyền, kích động người dân.
Ông Chung ví dụ: Trong sáng 10-6 vừa qua, tại Hà Nội tuy ít nhiều có tụ tập đông người nhưng không đến mức như các bài viết miêu tả trên mạng xã hội. Trên các trang mạng xã hội, các đối tượng tuyên truyền rằng xung quanh hồ Hoàn Kiếm có rất nhiều cờ 3 sọc. Ngoài ra, còn ghép các hình ảnh biểu tình từ trước tới nay, đưa hình ảnh phát biểu của MC Lại Văn Sâm, trong khi MC Lại Văn Sâm hoàn toàn không nói như vậy…
Đề cập trực tiếp đến Luật An ninh mạng, ông Chung cho biết chỉ ngăn cấm hành vi và đối tượng xấu, những đối tượng cơ hội chính trị, phản động hoặc những người có hành vi vi phạm pháp luật, dùng hình ảnh bôi nhọ lẫn nhau đưa lên không gian mạng hoặc có hành động xúc phạm nhân phẩm cá nhân lẫn nhau. Luật An ninh mạng bảo vệ hệ thống mạng và chính là bảo vệ quyền tự do mọi người dùng internet và mạng xã hội.
"Từ trước đến nay, các thế lực thù địch, tổ chức phản động nước ngoài cấu kết với các đối tượng cơ hội chính trị trong nước chưa bao giờ từ bỏ âm mưu gây rối, tiến tới lật đổ chế độ" - ông Chung nhận định.
Chống tham nhũng còn gian nan
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông tin Quốc hội đã thảo luận lần thứ hai về dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi và tập trung vào 2 nội dung lớn: kê khai tài sản và mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước.
"Cử tri coi đây là giặc nội xâm, phát động toàn dân để làm quyết liệt hơn nữa, phải thu hồi tài sản, kê khai tài sản phải công khai... Cuộc chiến còn gian nan lắm. Hiện nay, rất nhiều người nói hình ảnh là cái lò đang nóng lên, tức là tất cả đồng lòng, nhất trí mới làm được" - Tổng Bí thư trăn trở.