Đến dự và phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội XI CĐ TP HCM sáng 29-6, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, đánh giá cao nỗ lực vượt bậc của các cấp CĐ TP trong 5 năm qua, đồng thời cũng gợi mở thêm một số vấn đề mang tính chất sống còn đối với tổ chức CĐ TP để Đại hội thảo luận, xem xét quyết định. Báo Người Lao Động trích đăng các nội dung 6 vấn đề mà người đứng đầu TP nhắc nhở đối với tổ chức CĐ TP trong 5 năm tới.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM,
Một là, Tiếp tục tham mưu Thành ủy thực hiện Kết luận số 79 – KL/TW của Bộ Chính trị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng - khóa X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVC-L:Đ), góp phần ngăn chặn hiệu quả các hành vi tiêu cực trong xã hội, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để phát triển nhân cách người lao động (NLĐ) thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, trui rèn bản lĩnh giai cấp trong tình hình mới là một đòi hỏi bức thiết. Thông qua hoạt động thực tiễn, các phong trào hành động cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước, cần phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần chiến đấu, dám nghĩ, dám làm, đương đầu với khó khăn, thách thức trong CNVC-LĐ vì sự phát triển của TP, vì đời sống Nhân dân. CN TP Anh hùng không thể hài lòng với những kết quả đã đạt được mà phải luôn sáng tạo, vươn lên, "cái hôm nay làm ra phải tốt hơn, nhiều hơn, chi phí thấp hơn cái hôm qua ta có". Chúng ta phải ‘tự ái" khi năng suất lao động của người lao động TP còn thấp so với khu vực, thế giới. Trong kháng chiến, chúng ta đã chiến thắng bằng "lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều", không có lý do gì để trong lao động, sản xuất, ta lại chấp nhận thua sút các nước. Với một lực lượng lao động đông đảo, chỉ cần với năng suất lao động bằng nhau, chúng ta sẽ tạo giá trị lớn hơn nhiều lần so với họ. Việc nâng cao suất lao động đòi hỏi ý thức kỷ luật lao động, làm chủ khoa học – công nghệ, hợp tác – chia sẻ và cảm hứng sáng tạo.
Song song đó, CĐ cần quan tâm đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục CNVC-LĐ chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng để qua đó CNVC-LĐ hiểu và thực hiện tốt. Chúng ta đang sống trong không gian internet kết nối vạn vật, cơ hội và thách thức đan xen phức tạp, cần phải tận dụng ưu thế để phát triển giao lưu, chia sẻ, kết nối, nắm bắt thông tin một cách đúng đắn và hiệu quả; đồng thời ngăn ngừa tối đa mặt xấu, tiêu cực. CN TP phải có bản lĩnh vững vàng, phân định đúng sai, có "sức đề kháng" trước những thông tin xấu, độc.
Hai là, Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp và tích cực phối hợp với các cơ quan ban ngành Thành phố. Qua đó thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVC-LĐ. Tăng cường hướng dẫn các cấp CĐ, nhất là CĐ cơ sở phối hợp người sử dụng lao động chấp hành các quy định về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức Hội nghị NLĐ hàng năm; ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp (DN) một cách thiết thực, hiệu quả đúng quy định.
CĐ phải chủ động trong phát hiện, giải quyết bức xúc, tranh chấp lao động từ những việc nhỏ nhất – phải là chỗ dựa thật sự vững chắc của công nhân, viên chức, người lao động. Cán bộ công đoàn phải biết đoàn viên, NLĐ của mình muốn gì, cần gì, để từ đó tổ chức phong trào, thực hiện nhiệm vụ. Kiên quyết không để những thế lực khác lôi kéo, tập hợp lực lượng, chiếm lĩnh vai trò, vị trí của mình.
Ba là, Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ. Chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương lao động giỏi, lao động sáng tạo, giai thưởng Tôn Đức Thắng, gương người tốt, việc tốt; cũng như kịp thời có hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với những người sử dụng lao động có nhiều thành tích trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ.
Ông Nguyễn Thiện Nhân (bìa trái), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, tặng bức chân dung Bác Hồ và Bác Tôn cho lãnh đạo LĐLĐ TP HCM
Từ các phong trào thi đua yêu nước, tổ chức CĐ cần phải quan tâm giới thiệu những đoàn viên CĐ ưu tú, tích cực, tiêu biểu trên các lĩnh vực sang Cấp ủy, tổ chức Đảng để xem xét, kết nạp. Chỉ đạo các cấp CĐ chủ động, phối hợp xây dựng các tổ chức Đảng, đoàn thể tại các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 10-CT/TU của BTV Thành ủy cũng như làm tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ CN..
Bốn là, Đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức CĐ từ TP đến cơ sở; xây dựng tổ chức CĐ cơ sở vững mạnh; thu hút kết nạp đoàn viên CĐ, phấn đấu thành lập CĐ cơ sở theo phương châm "Nơi nào có công nhân lao động, nơi đó phải có tổ chức CĐ". Đặc biệt là trong bối cảnh sắp tới, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), NLĐ có thể lựa chọn tổ chức đại diện, vai trò của CĐ gặp thách thức thật sự.
Lao động và quan hệ lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động, phức tạp, việc đổi mới mô hình tập hợp, tổ chức hoạt động của CN nhằm thu hút NLĐ khu vực phi chính thức là vấn đề sống còn đặt ra cho tổ chức CĐ TP, các đồng chí phải đặc biệt quan tâm.
Năm là, Trước những thách thức của Cuộc cách mạng công ghiệp 4.0; tổ chức CĐ cần chú trọng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, DN, các trường Đại học tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dài hạn, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, trau dồi về tay nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật tiến bộ, hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ CNVC-LĐ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức lối sống lành mạnh, có năng lực tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu từng giai đoạn phát triển và hội nhập; nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động mở, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ vừa phải thông thạo nghiệp vụ công đoàn, có năng lực vận động quần chúng, nhiệt tình và yêu nghề, vừa phải am hiểu kiến thức pháp luật, dám đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực và sự cám dỗ về vật chất, dũng cảm bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cả DN lẫn CNVC-LĐ, góp phần xây dựng giai cấp CN phục vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ xuất thân từ CN, từ thực tiễn lao động, sản xuất, xem đây là một bộ phận không tách rời trong đào tạo, bổ sung nguồn cán bộ của hệ thống chính trị TP; quan tâm hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ– có trình độ, bản lĩnh hội nhập.
Sáu là, Xây dựng giai cấp CN và tổ chức CĐ vững mạnh là trách nhiệm không chỉ của riêng tổ chức CĐ mà còn là của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng, chính quyền, sở ngành, đoàn thể cần tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ để CĐ hoạt động thuận lợi, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng và vai trò của mình theo quy định và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục để NLĐ, đặc biệt là CN, NLĐ trong các DN ngoài nhà nước hiểu rõ hơn về tổ chức CĐ, tự nguyện tham gia thành lập tổ chức CĐ và tham gia các hoạt động do CĐ phát động. Ngoài ra, các tổ chức CĐ cần phải nỗ lực vượt bậc, tiếp tục đổi mới nội dung và đa dạng hóa phương thức hoạt động, sâu sát CNVC-LĐ bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng loại hình đơn vị, DN.