Sáng nay 2-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với tất cả các địa phương trên cả nước để bàn về tình hình kinh tế-xã hội.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kinh tế-xã hội 6 tháng qua tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật là GDP tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp tăng cao nhất, dịch vụ, thương mại, sản xuất công nghiệp cũng tăng cao so với cùng kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh với các địa phương không nêu nhiều thành tích trong hội nghị, mà tập trung đưa ra các giải pháp đúng với các địa phương, vùng miền. Theo đó, có 18 nhóm vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở như kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo an toàn xã hội và các vấn đề bức xúc khác... Từ đó, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành tập trung để đưa ra hướng giải quyết, tạo sự đồng bộ.
Thủ tướng nói thêm vừa qua có nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án xảy ra nhưng không phải vì thế mà chùn bước trong phát triển và thực thi công vụ với tư cách là lãnh đạo ngành, địa phương.
Thủ tướng nêu 3 vấn đề xã hội còn bức xúc trong 6 tháng vừa qua. Trước tiên là thiên tai đang xảy ra dồn dập tại nhiều địa phương ở vùng núi phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang... và các tỉnh miền Trung.
Vấn đề thứ 2 được Thủ tướng đề cập đến là an ninh trật tự, trong đó nổi bật là vụ việc ở Bình Thuận vừa qua. Theo Thủ tướng, vụ việc ở Bình Thuận là kinh nghiệm chung cho các địa phương khác trong công tác ổn định trật tự xã hội.
Thủ tướng khẳng định chúng ta có đủ khả năng để lập lại trật tự xã hội và đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân.
"Thủ tướng và Ban Bí thư đã có cuộc họp bàn về vấn đề này theo ý kiến của Trung ương, Bộ Chính trị. Không để kẻ xấu phản động, kích động nhân dân. Lực lượng của chúng ta cơ bản chủ động nắm tình hình, nhưng vẫn còn có chủ quan"- Thủ tướng nói.
Vấn đề xã hội cuối cùng gây bức xúc thời gian qua là xâm lại trẻ em, bạo lực học đường, tham nhũng, lợi ích nhóm. Thủ tướng yêu cầu không được để bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của đất nước.
"Lòng dân cần phải được quan tâm, lợi ích chính đáng của nhân dân cần được chú ý. Chúng ta phải lập lại trật tự kỷ cương, phép nước, dân chủ tập trung nhưng phải kiên quyết xử lý kẻ cầm đầu chống đối xã hội"- Thủ tướng khẳng định.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.
Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747.000 tỉ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV.