Tổng Bí thư nêu một loạt câu hỏi với ngành ngoại giao

Thứ hai, 13 Tháng 8 2018 14:10 (GMT+7)
Đánh giá cao những kết quả của ngành Ngoại giao trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu một loạt câu hỏi để các cán bộ ngoại giao thảo luận, đánh giá kỹ những hạn chế trong công tác đối ngoại thời gian qua để chủ động khắc phục.

Sáng nay 13-8, Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 đã khai mạc với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII". Hội nghị do Bộ Ngoại giao tổ chức diễn ra đến hết ngày 17-8.

Tổng Bí thư nêu một loạt câu hỏi với ngành ngoại giao - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu một loạt câu hỏi với ngành ngoại giao - Ảnh: Ngô Nhung

Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh từ sau Đại hội XII của Đảng, tình hình thế giới và trong nước bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng có nhiều vấn đề mới nảy sinh khó khăn hơn trước; mục tiêu và yêu cầu đối với công tác đối ngoại cũng cao hơn trước. Tuy nhiên, có thể khẳng định, với sự cố gắng nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2017, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước.

Công tác đối ngoại đã đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế; góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; công tác bảo hộ công dân, ngư dân tiếp tục được quan tâm...

Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý tuyệt nhiên không tự mãn với kết quả đã đạt được. Bởi vì trước mắt còn rất nhiều việc phải làm. "Tôi đề nghị các đồng chí kiểm điểm thật kỹ, rút kinh nghiệm từ những thành tựu kể trên để xem chúng ta đáng lẽ có thể đạt kết quả nhiều hơn không, tốt hơn không, có bỏ lỡ hoặc không tận dụng triệt để cơ hội nào không? Trong quan hệ với các nước đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn, có những "điểm nghẽn" nào cần tháo gỡ hoặc khâu "đột phá" nào cần mở ra? Các khuôn khổ quan hệ đã ký kết có tạo được hiệu quả tương xứng với tên gọi hay còn mang nặng tính hình thức? Có giúp xử lý một cách hiệu quả các vấn đề phát sinh, tăng cường xây dựng lòng tin không?"- Tổng Bí thư nêu một loạt câu hỏi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần đánh giá kỹ những hạn chế trong công tác đối ngoại thời gian qua để chủ động khắc phục. Ví dụ như, công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình tuy ngày càng được chú trọng và nâng cao, nhưng đã được như mong muốn chưa; trong một số tình huống đã thật sự chủ động chưa, có bị động, bất ngờ không? Ta đã quan sát, phân tích, dự báo được sự biến động về địa chiến lược toàn cầu, khu vực liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh của ta hay chưa? Trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn ta đã theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình, nhất là sự điều chỉnh chiến lược và quan hệ của các nước lớn hay chưa? Phải chăng sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các địa phương còn có lúc thiếu chặt chẽ? Công tác đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ làm công tác đối ngoại có lúc, có nơi chưa hợp lý?...

Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cán bộ ngoại giao tiếp tục thảo luận thật kỹ, thật sâu, "từ sáng đến giờ chủ yếu là tham luận".

Tổng Bí thư gợi mở 8 vấn đề

Tổng Bí thư gợi mở, nhấn mạnh thêm 8 vấn đề về nhiệm vụ của ngành Ngoại giao thời gian tới: Tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại; tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tổng Bí thư nêu một loạt câu hỏi với ngành ngoại giao - Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Ngô Nhung

Ngành ngoại giao cần phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương; cần nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược; nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương, nhất là giữa ngoại giao với quốc phòng - an ninh trong triển khai công tác đối ngoại và hội nhập; đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Ngành, tập trung vào hai nhiệm vụ chính là sắp xếp tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

 

Nguy cơ va chạm, đụng độ chưa được đẩy lùi

Tổng Bí thư đánh giá phải chăng chúng ta đang đứng trước một số tình huống. Môi trường đối ngoại trong những năm tới sẽ còn phức tạp, khó lường. Các đối tác lớn của ta đang trong quá trình điều chỉnh chiến lược, bối cảnh thế giới thường xuyên biến động, môi trường chính trị, an ninh, kinh tế khu vực và thế giới đang trở nên bất ổn với các tác động nhanh, mạnh và bất ngờ hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ quyết liệt, chính trị cường quyền quay trở lại mạnh hơn, nhất là trong khu vực.

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia trên biển sẽ đứng trước một số thách thức mới. Đó là do sự biến động phức tạp của tình hình, sự thay đổi so sánh lực lượng, sự tính toán của các nước có liên quan, sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Các cơ chế kiểm soát bất đồng, khủng hoảng trong khu vực chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả; các thể chế đa phương khó đạt được lập trường chung đủ mạnh. Tình hình trên thực địa tiếp tục phức tạp, nguy cơ va chạm, đụng độ chưa được đẩy lùi.

Kinh tế đối ngoại có thể sẽ gặp những thách thức mới khi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở các thị trường xuất khẩu lớn của ta. Chiến tranh thương mại giữa các nước lớn đang hiện hữu...

Nguồn: Dương Ngọc, Ảnh: Ngô Nhung - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị