Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam nhất quán với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế khu vực và toàn cầu
Ngài có thể cho biết một số trường hợp tiêu biểu phản ánh tinh thần kinh doanh của Việt Nam trong việc hoạch định chính sách?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn và rất năng động trong khu vực ASEAN. Với tinh thần liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Trong hoạch định chính sách, chúng tôi luôn xác định chính sách phải tạo ra động lực, cơ hội cho doanh nghiệp và người dân kinh doanh. Đồng thời, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của chính sách cũng như năng lực thực thi chính sách của các cơ quan nhà nước. Tinh thần đó được thể hiện trong hoạch định chính sách như:
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam có chính sách tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Luật Đầu tư năm 2014 đã tạo dựng một khuôn khổ chính sách đầu tư mới với tư duy mới về quản lý nhà nước, theo đó nhà đầu tư được kinh doanh trong tất cả các ngành nghề không bị cấm. Chính phủ đã chọn năm 2016 là năm “Quốc gia khởi nghiệp” và triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Những chính sách này tạo nên một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ ở Việt Nam và năm 2017 số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, với gần 127.000 doanh nghiệp được thành lập, bằng 1,6 lần số doanh nghiệp thành lập mới của năm 2011.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo đó tích cực cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm ít nhất 50% số lượng điều kiện kinh doanh hiện hành; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; yêu cầu kết nối dịch vụ công ở cấp độ 4; hoàn toàn thông quan điện tử, bỏ các hồ sơ bằng văn bản giấy; giảm số lượng kiểm tra thông quan từ 30% xuống còn 10%. Bản thân tôi thường xuyên gặp và đối thoại với doanh nghiệp để thúc đẩy tinh thần kinh doanh và tháo gỡ các khó khăn trong kinh doanh. Đồng thời, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong cải cách hành chính.
Thứ ba, tinh thần kinh doanh của Việt Nam còn được phản ánh trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn phát triển của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cho thấy hội nhập và liên kết kinh tế là động lực thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Tuy là một nền kinh tế có trình độ phát triển chưa cao, nhưng Việt Nam đã tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA)... với những cam kết sẽ giúp thúc đẩy tinh thần kinh doanh và hoàn thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Trong bối cảnh lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu đang xấu đi, Việt Nam sẽ có lập trường như thế nào đối với chủ nghĩa bảo hộ? Ngài đánh giá như thế nào về mức độ tự do thương mại trong ASEAN?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thực tiễn phát triển của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung cho thấy, thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Bảo hộ không phải là giải pháp cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Kể từ khi đổi mới và mở cửa từ cuối thập niên 80, Việt Nam nhất quán với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế ở khu vực cũng như trên toàn cầu, thể hiện rõ qua việc tham gia ASEAN, APEC, ASEM và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đặc biệt là việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả những hiệp định thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA… Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại quốc tế gia tăng, Việt Nam ủng hộ tăng cường hệ thống thương mại đa phương tự do, công bằng, minh bạch và dựa trên luật lệ quốc tế.
ASEAN là một trong những khu vực đi đầu về liên kết kinh tế trên thế giới và hiện đang nỗ lực tăng cường hơn nữa mức độ tự do hóa nội khối cũng như mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài.
Về hợp tác nội khối, trong thương mại hàng hóa, ASEAN đã tiến gần đến mục tiêu xóa bỏ hàng rào thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với tỷ lệ xóa bỏ thuế quan toàn ASEAN sẽ là 98,67% trong năm 20181. Tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư trong ASEAN cũng đạt các tiêu chuẩn cao với việc thực hiện các gói cam kết trong Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).
Về hợp tác ngoại khối, ASEAN hiện nay trở thành tâm điểm gắn kết các đối tác hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua mạng lưới các FTA lên đến 3 tỉ dân và tổng GDP đạt 20.000 tỷ USD. Mức độ tự do hóa giữa ASEAN với các đối tác này dự kiến sẽ được cam kết cao hơn nữa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong tương lai.
Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa nội lực kinh tế của Cộng đồng, các nước ASEAN cần gia tăng hội nhập, trao đổi thương mại và đầu tư nội khối, đồng thời
mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác và thúc đẩy vai trò đầu tàu của ASEAN trong liên kết kinh tế khu vực.
Theo đánh giá của Ngài, đâu là vấn đề cấp thiết nhất của ASEAN hiện nay mà cần phải có giải pháp sáng tạo? Và lý do vì sao phải như vậy?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Sáng tạo và tự cường” là chủ đề của ASEAN 2018. Trên thực tế, “sáng tạo” là một phần trong sự ra đời và phát triển của Hiệp hội trong suốt nửa thế kỷ qua. Chính tinh thần sáng tạo đã giúp ASEAN vượt qua thách thức, hiện thực hóa cộng đồng dựa trên ba trụ cột, lấy người dân làm trung tâm, phấn đấu vì lợi ích chung. Hơn bao giờ hết, ASEAN cần tiếp tục tinh thần “sáng tạo” nếu muốn thành công trong bối cảnh mới hiện nay.
Trước hết, việc hiện thực hoá cộng đồng ASEAN là một tiến trình, dựa trên đồng thuận, đoàn kết và nhất trí. Với tinh thần đó, ASEAN cần tiếp tục duy trì tinh thần này trong các hoạt động cũng như trong quan hệ với bên ngoài.
Tiếp đó, hợp tác nội bộ ASEAN, nhất là về kinh tế cần có những khởi sắc mới ở một trình độ và mức độ cao hơn, tận dụng được lợi thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để bứt phá đi lên. Muốn đạt được mục tiêu này, sự cân bằng và hài hòa trong phát triển giữa các nền kinh tế ASEAN phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong hợp tác ASEAN ngày nay. Lấy ví dụ, kim ngạch thương mại nội bộ ASEAN hiện chỉ chiếm dưới 25% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. Vì vậy, thúc đẩy liên kết trong nội bộ ASEAN là một vấn đề đòi hỏi sự sáng tạo lớn, đây cũng là chìa khóa khẳng định tính tự cường của khu vực. Chính vì vậy, thời gian tới chúng ta cần tập trung nỗ lực của mình trong nội dung này.
Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó chính là công tác tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN cần được đặc biệt chú trọng. Đến nay, nhận thức về Cộng đồng ASEAN của từng người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Đây là thách thức rất lớn để người dân có thể tham gia đóng góp trực tiếp vào quá trình xây dựng Cộng đồng cũng như giúp họ tiếp cận được những lợi ích mà Cộng đồng mang lại. ASEAN cần tìm ra các biện pháp mới, có tính sáng tạo hơn để người dân thực sự ý thức cũng như tận dụng được tính cộng đồng của ASEAN.
Việt Nam có tỉ lệ sử dụng thiết bị di động cao và người dân hiểu biết kỹ thuật số. Xin Ngài cho biết Chính phủ sẽ khai thác những thế mạnh này như thế nào để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam có dân số trẻ và có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới. Khoảng 60% trong 93 triệu người dân Việt Nam dưới 35 tuổi và khoảng 54% dân số sử dụng internet. Đây là điều kiện thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho phát triển kinh tế số và đầu tư các mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam. Xác định kinh tế số là một trong những trụ cột tất yếu và có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chính phủ Việt Nam đang và tiếp tục triển khai một số định hướng sau đây:
Chính phủ sẽ kiến tạo môi trường thuận lợi như một hệ sinh thái cho phát triển kinh tế số, trước hết là môi trường pháp lý, cơ chế chính sách, thể hiện nhất quán quan điểm cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm với các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng ứng dụng công nghệ số của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tạo sự lan toả trong ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, đẩy mạnh công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn liền với chuyển đổi số.
Tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, xã hội số, gắn kết chặt chẽ với công cuộc cải cách thể chế và ứng dụng công nghệ thông tin. Ưu tiên hoàn thiện khung pháp lý, khung kiến trúc tổng thể cho Chính phủ điện tử; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp, đồng thời chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Tiếp đó, phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, tập trung đầu tư, phát triển công nghệ 4G, 5G; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng thông tin, bảo đảm người dân có thể tiếp cận hạ tầng thông tin. Song song với đó là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đẩy mạnh phổ cập tin học trong giáo dục phổ thông để tiến tới trang bị kỹ năng số cho mọi người dân; có chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt là với các ý tưởng mới về công nghệ kỹ thuật số.
Cuối cùng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn như ứng dụng vào quản lý nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, logistics, tài chính số, y tế… Điều này vừa thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực này, đồng thời tạo thị trường to lớn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và đây chính là cơ hội cho Việt Nam bứt phá đi lên./.
----------------------------------
1 Tính đến năm 2017, đối với các nước ASEAN-6, 99,2% số dòng thuế đã được xóa bỏ và đối với Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là 90,9%.