Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ Ủy ban Thường vụ QH thấy rằng việc quy định giám đốc công an một số tỉnh, TP trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của công an cấp tỉnh hiện nay.
Theo đó, dự thảo quy định giám đốc công an tỉnh, TP trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp quân hàm cao nhất là thiếu tướng (trừ Hà Nội và TP HCM là trung tướng), song số lượng không quá 11.
Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) phát biểu chiều 6-11 - Ảnh: Quochoi.vn
Thảo luận về dự thảo luật, (đại biểu) ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) bày tỏ đồng tình với quy định bởi "điều này nhằm tạo ra những vị tướng trong thời bình thật sự bản lĩnh, tài năng, có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn địa phương". Tuy vậy, ông cũng cho rằng lấy tiêu chí đơn vị hành chính loại I để quy định cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh, TP là chưa sát với chức năng của lực lượng công an. Vì thực tế, nhiều địa phương không được xếp là đơn vị hành chính loại I nhưng có vị trí chiến lược an ninh trật tự. Chưa kể, giám đốc công an tỉnh quản lý nhiều đầu mối, quân số biên chế hàng ngàn người, nếu trần quân hàm đại tá như với cấp phòng ở bộ là không hợp lý.
Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - nhấn mạnh phong tướng để "cầm gậy chỉ huy quân", nhưng không nhất thiết cứ tỉnh nào loại I là được phong tướng. "Hiện có khoảng 11 tỉnh, thành loại I. Nhưng 10-15 năm sau có bao nhiêu loại I nữa? Tôi nghĩ địa bàn nào trật tự trị an phức tạp, ma túy nhiều, phản động nhiều thì đề nghị phong tướng để lãnh đạo, chỉ huy quân" - ĐB này góp ý.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ trên thế giới, có một số quốc gia, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bộ trưởng Bộ Công an chỉ là dân sự. Ở Việt Nam, lực lượng vũ trang phải có ngạch, phải có cấp hàm là điều không bàn cãi. Nhưng phải tính sao cho hợp lý. Cấp tướng phải có quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm tướng mà quân số chẳng bao nhiêu.
Tại buổi thảo luận, ĐB Cao Đình Thưởng cũng nhấn mạnh tình hình an ninh nông thôn rất phức tạp, vai trò của công an xã hết sức quan trọng. Do đó, nếu có lực lượng chính quy, các vụ việc ở cơ sở sẽ được giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật, xây dựng môi trường sống yên bình. "Tuy nhiên, cần đánh giá đầy đủ toàn diện tác động. Cả nước có hơn 9.330 xã, nếu mỗi xã có 5 cán bộ công an chính quy, Bộ Công an phải bố trí trên 40.000 cán bộ. Điều này có ảnh hưởng gì đến đề án tinh giản biên chế và quỹ lương quốc gia hoặc phải xây thêm trụ sở không?" - ĐB này hỏi.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cam kết với QH không tăng biên chế mà toàn bộ là sắp xếp trong nội bộ. Bộ Công an sẽ tăng cường cho công an xã 3 phương tiện gồm xe máy tuần tra giao thông, phương tiện thông tin liên lạc và công cụ hỗ trợ. Những phương tiện này đều nằm trong kinh phí, tính toán, sắp xếp của Bộ Công an.
ĐB Phạm Văn Hòa
“Phải tính sao cho hợp lý trong điều kiện nước ta ở thời bình, được thế giới ca ngợi là quốc gia ổn định về an ninh chính trị và an toàn xã hội, hàm tướng có cần nhiều như thế không?” - ĐB Phạm Văn Hòa hỏi.