Chống đầu tư công dàn trải, không hiệu quả

Thứ ba, 13 Tháng 11 2018 08:44 (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu lời khuyên của các quốc gia cho rằng nên thu thuế của các doanh nghiệp công nghệ theo phương thức thỏa thuận

Chuyện hiệu quả đầu tư tại một số dự án như cầu Thủ Thiêm; Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm… đã được Quốc hội (QH) nêu ra tại phiên thảo luận ngày 12-11 về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Không xây nhà hát giao hưởng bằng vốn ngân sách

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - cho rằng cần hết sức cân nhắc quy định nội dung cho phép Thường trực HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực đầu tư công trong thời gian giữa 2 kỳ họp. Lý do, theo Bí thư Thành ủy TP HCM, trách nhiệm thẩm tra, giám sát của HĐND rất quan trọng và đã có quy chế họp HĐND, nên nếu giao cho Thường trực HĐND thì chưa có quy chế.

Người đứng đầu Thành ủy TP HCM cho rằng để bảo đảm vai trò giám sát của HĐND, cần giữ như quy định hiện hành: Với các dự án đầu tư công của địa phương, quy trình thực hiện thường tính bằng năm. Giữa 2 cuộc họp định kỳ 6 tháng của HĐND, có thể tổ chức thêm 2 cuộc họp thường xuyên. Như thế, hoàn toàn đủ điều kiện thông qua bất cứ dự án đầu tư công trung hạn nào.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng nếu có một bộ tiêu chí đánh giá đầu tư công thì đây sẽ là giải pháp để chống đầu tư dàn trải, không hiệu quả. "Ví dụ, bỏ tiền xây dựng cầu Thủ Thiêm đến nay đem lại hiệu quả gì? Các quốc gia khác có bộ tiêu chí đánh giá từ khi quyết định chủ trương đầu tư, họ đo được, lượng hóa được. Khi làm xong, họ đánh giá có đạt được hiệu quả như kế hoạch ban đầu hay không. Chúng ta nên học hỏi để chống đầu tư công dàn trải, không hiệu quả" - ông góp ý.

Liên quan đến việc UBND TP HCM vừa trình HĐND về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm, ĐB Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cho rằng báo cáo của TP HCM về việc sử dụng vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng là chưa thuyết phục. Nhận xét việc đầu tư nhà hát là cần thiết song ông Chung cũng đặt câu hỏi: "Có nhất thiết phải dùng đầu tư công?".

Vị ĐB tỉnh Bình Phước cho rằng theo quy luật cung - cầu, với lưu lượng khách lớn của một "siêu đô thị" như TP HCM, hoàn toàn có thể xây dựng nhà hát với hình thức xã hội hóa. Tuy vậy, trong việc xã hội hóa cũng cần phải xem xét kỹ, có thể thực hiện đấu giá đất song cần điều kiện ràng buộc chặt chẽ.

Chống đầu tư công dàn trải, không hiệu quả - Ảnh 1.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), phải ngăn chặn tình trạng đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả Ảnh: Văn Duẩn

Thu thuế Grab như nào?

Cùng ngày, QH thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Bày tỏ tâm tư trước "thực trạng văn hóa kinh doanh rất có vấn đề", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành để quản lý thuế trong bối cảnh "không mấy người tự giác nộp thuế" như hiện nay. Với tinh thần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng dù pháp luật chưa có quy định xử lý cũng như nhận dạng các hoạt động kinh doanh liên quan đến kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ nhưng vẫn cần xử lý trên thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận quy định về quản lý thuế hiện nay còn nặng về quản lý thu. Ông hướng đến khía cạnh tạo nguồn thu và khuyến khích nguồn thu, bởi nếu không khuyến khích nguồn thu thì sẽ kìm hãm sự phát triển.

Trong chuyện thu thuế của doanh nghiệp (DN) công nghệ, điển hình như Grab, bộ trưởng Bộ KH-ĐT chia sẻ khi đi nghiên cứu kinh nghiệm ở các nước, ông nhận được lời khuyên nên để kinh tế chia sẻ tự phát triển, không can thiệp quá mạnh. "Nếu ủng hộ loại hình truyền thống thì chúng ta không khuyến khích công nghệ phát triển, không khuyến khích kinh tế chia sẻ, tức không ủng hộ số đông người tiêu dùng. Nhưng nếu ủng hộ công nghệ thì ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống" - bộ trưởng bày tỏ và cho rằng nên có phương thức thỏa thuận giữa nhà nước và DN công nghệ trong vấn đề thu thuế.

Đề cập tình trạng cán bộ thuế tư vấn, hướng dẫn DN cách trốn thuế, "chia quả", luật sư - ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị tăng cường quyền và nghĩa vụ của cán bộ ngành thuế trong việc hướng dẫn DN nộp thuế nhanh chóng, đầy đủ, tiện lợi. "Cố tình nhũng nhiễu, quan liêu để DN phải chung chi, "lót tay" thì họ than phiền là đúng. Ngược lại, nếu có sự chỉ vẽ, hướng dẫn của cán bộ thuế để trốn thuế thì DN đâu có kêu vì DN có lợi, đôi bên cùng có lợi, chỉ có nhà nước và xã hội là thiệt" - ông Nghĩa nêu thực trạng. 

Không nới trần bội chi và trần nợ công

Cùng ngày, QH thông qua Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn với 434/451 ĐB tán thành. Theo đó, nhất trí điều chỉnh tăng tổng mức vốn ODA từ 300.000 tỉ đồng lên tối đa 360.000 tỉ đồng, giảm tương ứng vốn vay trong nước để không vượt trần nợ công.

QH quyết giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỉ đồng (từ 80.000 tỉ đồng xuống 70.000 tỉ đồng). Ngoài ra, giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỉ đồng; giữ tỉ lệ bội chi, trần nợ công.

Th.Dương

Nguồn: Phương Nhung - Văn Duẩn - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị