Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tội phạm

Thứ tư, 14 Tháng 11 2018 08:42 (GMT+7)
Các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức "nhóm lợi ích", doanh nghiệp "sân sau", "công ty gia đình"... đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá

Ngày 13-11, Quốc hội (QH) thảo luận xung quanh các báo cáo của Chính phủ, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Thanh tra Chính phủ... về phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thi hành án; phòng chống tham nhũng năm 2018.

Chỉ 9 tỉnh báo cáo có tình trạng tặng quà

Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá Đảng và nhà nước với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc; tuyên truyền xuyên tạc tạo sự hoài nghi, gây ra tâm trạng bức xúc trong một bộ phận nhân dân, từ đó kích động gây rối, leo thang các hoạt động bạo lực, khủng bố phá hoại.

Về tình hình hoạt động của ngành kiểm sát, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí thông tin tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%; tội phạm về ma túy tăng 12,6%; tội phạm về trật tự xã hội tăng 0,8%. Đặc biệt, tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những người có chức vụ, quyền hạn, có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao.

Nhấn mạnh tham nhũng vẫn đang là vấn đề bức xúc nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý bên cạnh "tham nhũng vặt", các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức nhóm lợi ích, doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình… đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá.

"Đáng lưu ý, có trường hợp để phục vụ xây dựng, triển khai dự án, địa phương tổ chức 3 đoàn đi khảo sát, học tập mô hình của nước ngoài nhưng 1 đoàn về không có báo cáo, 2 đoàn có báo cáo nhưng không liên quan đến nội dung khảo sát" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.

Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tội phạm - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí khẳng định người dân chờ đợi những cán bộ nhúng chàm từ chức Ảnh: đình NAM

Thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đánh giá cao điểm mới là Chính phủ đã đề cập việc tặng quà và nộp lại quà tặng trong báo cáo. Tuy nhiên, số địa phương có tình trạng tặng quà và nộp lại quà tặng được nêu chỉ là 9 tỉnh. Vậy các địa phương khác có tình trạng này không? Báo cáo cũng chưa làm rõ ai tặng, tặng ai, quà gì, nộp vào đâu, cấp dưới còn đi biếu quà cho cấp trên không?

Ông Sơn cũng băn khoăn phần thu hồi tài sản tham nhũng bao gồm cả hiện kim và hiện vật có phản ánh ở phần thu về ngân sách nhà nước báo cáo QH hằng năm không?

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thẳng thắn nêu quan điểm: "Nếu cán bộ có lỗi, không còn uy tín, không đủ điều kiện, năng lực thì nên chủ động từ chức. Nhân dân chờ đợi sự chủ động của những người tay đã nhúng chàm. Nhân dân mong người không đủ uy tín hãy từ chức! Đừng như con lươn, con chạch mà leo cao, trái với ý Đảng, lòng dân". Ông Trí đề nghị QH xây dựng Luật Từ chức để luật hóa quy định của Đảng.

Gia tăng tình trạng "mù luật", "nhờn luật"

Liên quan đến tình hình tội phạm, ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) nhấn mạnh ở Việt Nam, trung bình cứ 8 giờ lại có một trẻ bị xâm hại. Từ đầu năm 2018 đến nay, có 457 vụ hiếp dâm trẻ em, tăng 2,47% so với cùng kỳ; 184 vụ dâm ô trẻ em; 548 vụ giao cấu với trẻ em. Hằng năm, các cơ quan y tế giám định khoảng 2.000 trẻ có dấu hiệu bị xâm hại. ĐB Dung đề nghị ngành công an đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; tăng mức hình phạt thích đáng, nghiêm khắc và không khoan hồng.

Theo ĐB Nguyễn Mai Hoa (Đồng Tháp), điều đáng suy nghĩ là chúng ta có cả hệ thống các cơ quan hành pháp, tư pháp hùng hậu cùng gần 200 luật và bộ luật nhưng người dân vẫn cảm thấy bất an. Bà nêu việc một cô giáo ở TP HCM viết đơn gửi xã hội đen xin tha cho gia đình để chị được yên ổn dạy học là một câu chuyện buồn, là mảng tối trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

"Người dân đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng với tình trạng bảo kê cho tội phạm ở bệnh viện, bến xe… kéo dài nhiều năm không được phát hiện, xử lý. Chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè cho người đi bộ được phát động rầm rộ ở quận 1, TP HCM, sau đó lan ra nhiều nơi nhưng không có hồi kết. Có cử tri hỏi tôi đây có phải là minh chứng cho sự bất lực của bộ máy nhà nước trong cuộc chiến này và họ giảm sút niềm tin vào năng lực, quyết tâm của bộ máy công quyền trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm" - ĐB Hoa tâm tư. ĐB này đề nghị làm rõ tại sao gia tăng tình trạng "mù luật", "nhờn luật", coi thường pháp luật.

Vụ án tài xế tông xe lùi trên cao tốc: Nếu sai phải sửa

Về vụ án tài xế container tông xe Innova đi lùi trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, bên hành lang QH, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thông báo đã tổ chức một cuộc họp tham vấn ý kiến chuyên môn về mặt pháp luật và kỹ thuật giao thông trong vụ án nêu trên. Trên cơ sở cuộc họp, TAND Tối cao yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu kỹ hồ sơ, tập trung giải quyết trong thời gian khoảng 1 tuần với tinh thần thận trọng, khách quan, "nếu sai phải sửa".

 
Nguồn: Phương Nhung - Văn Duẩn - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị