Sáng 14-11, Quốc hội (QH) nghe và thảo luận tại hội trường các báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.
Trình bày thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết số lượng đơn khiếu nại, tố cáo trong năm 2018 tăng 11,8% so với năm 2017. Nội dung khiếu nại chủ yếu về đất đai; tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái. Ủy ban Pháp luật đánh giá thực tế vừa qua, tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn kết việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến người dân có tâm lý thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị phải xem xét chất lượng tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo Ảnh: ĐÌNH NAM
Về việc này, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện QH, nêu rõ việc tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở hầu hết các địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định của Luật Tiếp công dân. Theo luật này, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày/tháng. Tuy nhiên, số liệu báo cáo cho thấy chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỉ lệ bình quân 48% so với quy định. Trong khi đó, việc ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân khá phổ biến. Một số tỉnh ủy quyền trên 70% như: Nam Định, Bình Dương, Lào Cai, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam... Cá biệt có chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền toàn bộ cho cấp phó tiếp công dân, không tiếp công dân định kỳ trong suốt 12 tháng. "Phụ lục về kết quả tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh cho thấy nhiều tỉnh hoàn toàn trắng về số liệu như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Định, Cần Thơ, Cao Bằng… Có những tỉnh tỉ lệ tiếp dân của chủ tịch so với quy định là 0% như: Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên" - bà Hải dẫn chứng.
Từ thực trạng trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị phải xem xét chất lượng tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ông Nhưỡng nêu trường hợp ông nhận được đơn của cử tri phản ánh có vị chủ tịch UBND tỉnh tiếp họ đúng 9 phút, trong khi đây là việc họ bức xúc nhiều năm.
Từ thực tiễn các địa phương, trao đổi với báo chí bên hành lang QH, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nói rằng việc một số chủ tịch UBND các cấp viện lý do bận quá nên không sắp xếp được lịch tiếp công dân là không thể chấp nhận. "Nếu không làm được thì nên nghỉ. Pháp luật quy định như vậy mà không làm, tránh né thì không nên làm chủ tịch nữa" - ông Kim nói.