Cân nhắc chuyện lao động của phạm nhân

Thứ ba, 20 Tháng 11 2018 09:02 (GMT+7)
Còn nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội về việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Sáng 19-11, thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc sửa đổi dự án Luật Thi hành án hình sự. Dù vậy vẫn còn nhiều ĐB băn khoăn với các quy định liên quan đến tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân; quyền và nghĩa vụ của người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án…

Lựa chọn đối tượng để tránh rủi ro

Cụ thể, tại điểm b, khoản 4, điều 17 dự thảo luật, quy định: Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị cân nhắc quy định này vì nguy cơ phạm nhân trốn trại cao; không bảo đảm an ninh trong việc quản lý phạm nhân; có thể phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong khu vực.

Về phối hợp giữa doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để phạm nhân lao động theo khoản 5, điều 32, ĐB Nguyễn Tạo cho rằng dự thảo luật chưa quy định rõ là trong hay ngoài trại giam. "Ai chịu trách nhiệm khi phạm nhân bỏ trốn hoặc vi phạm pháp luật. Vì vậy, ban soạn thảo cân nhắc kỹ hơn" - ông Tạo đề nghị.

Đồng ý với dự thảo luật, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhấn mạnh thực tiễn cho thấy bên cạnh việc giáo dục cải tạo thì lao động dạy nghề cho phạm nhân rất quan trọng. Theo bà Hoa, lao động của phạm nhân không phải hình phạt mà giúp họ nhận thức được lỗi lầm của mình, coi trọng giá trị lao động; đồng thời có một nghề sau khi mãn hạn tù, tái hòa nhập cộng đồng để nuôi sống bản thân, gia đình và ngăn ngừa tái phạm.

Tuy nhiên, đại biểu Hoa chỉ đồng ý áp dụng với phạm nhân sắp mãn hạn tù và có ý thức cải tạo tốt, còn trong độ tuổi lao động; không áp dụng đại trà, không áp dụng với phạm nhân phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và các tội như buôn bán ma túy, giết người, cướp tài sản.

"Cơ sở giam giữ phải chịu trách nhiệm trong tổ chức phối hợp doanh nghiệp khi đưa phạm nhân ra lao động bên ngoài. Nếu không bảo đảm các điều kiện và không đủ khả năng kiểm soát phạm nhân thì không được tổ chức cho phạm nhân ra ngoài lao động" - ĐB Hoa lưu ý.

Cân nhắc chuyện lao động của phạm nhân - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đề nghị quy định rõ thời gian thi hành án tử hình để giải quyết tình trạng chờ chết của nhiều tử tù Ảnh: ĐÌNH NAM

Cần quy định thời gian thi hành án tử hình

Theo ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), những năm qua, có một thực trạng là nhiều người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm. Tuy nhiên, việc quyết định là của người có thẩm quyền, cơ quan thi hành án hình sự không dám thi hành mà người bị kết án cũng trong tình trạng chờ chết. Quá trình đó có nhiều vấn đề phức tạp xảy ra. Ví dụ, có người viết đơn xin chết; có người quậy phá, tìm cách này, cách khác gây áp lực rất lớn cho cán bộ trại giam.

"Cần có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trên theo hướng quy định trong khoảng thời gian nhất định, ví dụ từ 3 đến 5 tháng, nếu không nhận được quyết định ân giảm thì sẽ tổ chức thi hành án tử hình. Như vậy, sẽ giảm được áp lực cho người có thẩm quyền trong việc bác hay không bác và cũng sẽ giải quyết được tình trạng tử tù chờ chết như hiện nay" - ĐB tỉnh Nghệ An nêu.

Cùng băn khoăn, ĐB Sùng A Hồng (Điện Biên) nêu rõ Bộ Luật Hình sự, các luật khác và các văn bản dưới luật cũng như dự thảo luật này chưa quy định thời gian sau khi tòa án các cấp tuyên án tử hình không có kháng nghị hoặc không chấp nhận kháng nghị thì bao lâu Chủ tịch nước chấp nhận hay bác đơn đối với các bị án tử hình.

"Nhiều bị án xin được chết mà không được chết. Giam kéo dài, nhiều năm, thậm chí có trường hợp hàng chục năm mà không có lý do. Tôi đề nghị cũng nên quy định thời gian vào luật để không có những vấn đề bất cập, đồng thời cũng bảo đảm tính pháp lý chứ không tùy nghi như hiện nay" - ông Hồng nói.

Phản bội Tổ quốc không được đặc xá

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 19-11, với đa số đại biểu tán thành, QH đã thông qua các luật: Đặc xá (sửa đổi); Trồng trọt; Chăn nuôi; Cảnh sát biển Việt Nam; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Với Luật Đặc xá (sửa đổi), những tội không được đề nghị đặc xá: phản bội Tổ quốc; hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; gián điệp; xâm phạm an ninh lãnh thổ; bạo loạn; khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân…

Nguồn: Văn Duẩn - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị