Sáng 20-11, với 452/465 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành (chiếm 93,20% tổng số ĐB), QH đã thông qua dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), với việc rút quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Luật gồm 7 chương, 46 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.
Phải tịch thu tài sản tham nhũng
Trong quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo đã đưa vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Theo đó, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%. Quy định này từng gây ra nhiều tranh luận, trong đó nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy chẳng khác nào giúp hợp pháp hóa tài sản bất minh, tài sản do tham nhũng mà có.
Trước khi QH bấm nút thông qua với nội dung quan trọng này, thay mặt Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, cho biết đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này. Trong khi đó, tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp.
Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. "Tại tất cả phiên thảo luận về nội dung này, ý kiến các ĐBQH, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán" - bà Nga thông tin.
Chính vì vậy, để bảo đảm thận trọng, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký QH gửi phiếu thăm dò ý kiến các ĐBQH. Kết quả, 43,09% tổng số ĐBQH tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 32,16% tán thành với phương án thu thuế. "Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số ĐBQH. UBTVQH nhận thấy do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật" - bà Nga nêu rõ.
Trên cơ sở đó, UBTVQH đề nghị QH chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự luật mà thực hiện theo pháp luật hiện hành.
Theo quy định hiện hành, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật và nghị quyết tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: ĐÌNH NAM
Ngành công an có 199 tướng
Sáng cùng ngày, QH đã thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi) với 416/464 ĐB có mặt tán thành.
Khi biểu quyết thông qua điều 25 quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân, chỉ 354/465 ĐB có mặt tán thành.
Theo điều 25, bộ trưởng Bộ Công an có quân hàm đại tướng; thượng tướng là thứ trưởng, không quá 6 người; trung tướng không quá 35 người; thiếu tướng không quá 157 người. Đây là điểm mới so với luật hiện hành vì đạo luật thông qua trước đây không quy định "cứng" số lượng trung tướng và thiếu tướng.
Những người có cấp bậc hàm trung tướng, gồm: cục trưởng, tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Những người có cấp bậc hàm thiếu tướng, gồm: cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương; giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông (không quá 11); phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an trung ương (không quá 3 người).
Bên cạnh đó, cấp bậc hàm thiếu tướng còn dành cho phó cục trưởng, phó tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an (17 đơn vị mỗi đơn vị tối đa 4 người; các đơn vị còn lại mỗi đơn vị tối đa 3 người); phó giám đốc Công an TP Hà Nội và Công an TP HCM (mỗi đơn vị tối đa 3 người)…
Một trong những điểm mới được thông qua tại Luật Công an nhân dân (sửa đổi) là đưa công an xã trở thành lực lượng thuộc tổ chức của công an nhân dân. Theo đó, có 1.100 xã, thị trấn biên giới được bố trí công an xã chính quy để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng theo quy định của pháp luật.
Kỳ họp đổi mới, dân chủ
Sau gần một tháng làm việc, sáng 20-11, QH đã họp phiên bế mạc và thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6 QH khóa XIV. Tại kỳ họp, QH đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác; thông qua 4 nghị quyết về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. QH cũng đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá kỳ họp tiếp tục có những đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của QH; việc thảo luận, tranh luận và trách nhiệm giải trình thể hiện dân chủ, trách nhiệm. Đặc biệt, với sự tín nhiệm rất cao, QH đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được nhân dân và cử tri đánh giá cao.