Thủ tướng "đặt bài" Tổ tư vấn để tránh "bẫy" nguy hiểm

Thứ bảy, 22 Tháng 12 2018 17:41 (GMT+7)
Làm việc với Tổ tư vấn kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn lắng nghe góp ý về những ưu tiên cho năm 2019, 5 năm, 10 năm tới và đặt vấn đề làm sao để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công, bẫy “thiên đường ô nhiễm”.

Cùng dự buổi làm việc sáng 22.12 tại trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và một số lãnh đạo bộ, ngành.

Hàng loạt vấn đề đặt ra

 thu tuong "dat bai" to tu van de tranh "bay" nguy hiem hinh anh 1

Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe các ý kiến về các bất cập, hạn chế chưa tháo gỡ được, nhất là “hiến kế” của Tổ tư vấn, những chuyên gia trên các lĩnh vực với tinh thần “làm sao chúng ta chủ động hơn, sáng tạo, tìm giải pháp làm chủ tình hình, định hướng và huy động được nguồn lực toàn xã hội, phấn đấu làm sao để Việt Nam nhanh nhất có thể trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao”.

Thủ tướng cũng mong muốn được nghe “hiến kế” để làm sao năm 2019 tăng trưởng đạt khoảng 7%, đồng thời giữ được mục tiêu ổn định vĩ mô.

“Cũng có ý kiến viết thư cho tôi nói là bây giờ không đặt tăng trưởng cao mà đi vào chất lượng tăng trưởng, nền tảng tăng trưởng. Tôi cho rằng quan điểm này cần nghiên cứu nhưng đất nước mình tuy có tăng trưởng cao nhưng quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân còn thấp. Mình không vượt lên, kiên trì mục tiêu tăng trưởng, đi liền với chất lượng tăng trưởng và ổn định vĩ mô, Việt Nam khó có thể thành công. Còn làm gì đó để có tăng trưởng là câu hỏi đặt ra”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng mong muốn lắng nghe góp ý về những ưu tiên cho năm 2019, cho 5 năm và 10 năm tới và đi theo đó, những gì được gọi là động lực mới cho tăng trưởng hay “điều mà các nhà nghiên cứu quan tâm là làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công, bẫy “thiên đường ô nhiễm” xảy ra ở Việt Nam”.

Một vấn đề khác, những giải pháp, cơ hội từ cách mạng 4.0 đang lan tỏa khắp nền kinh tế, vậy cần bắt đầu như thế nào và đi theo con đường nào?

 thu tuong "dat bai" to tu van de tranh "bay" nguy hiem hinh anh 2

Thủ tướng cùng các thành viên Tổ tư vấn kinh tế. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, vậy làm sao để tăng hiệu quả hội nhập? Việc tận dụng các FTA đã ký kết cũng là vấn đề đặt ra. Cải cách doanh nghiệp nhà nước hiện nay nên tư duy theo hướng nào? Việc phát triển toàn diện con người như thế nào?

Cùng với đó, làm sao thực hiện thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau” một cách có hiệu quả nhất. Làm sao thúc đẩy, hỗ trợ các đô thị động lực khi mà “nơi nào nhiều ánh sáng nhất thì nơi đó giàu có nhất”, nhưng cũng phải bảo đảm các địa phương vùng núi, vùng xa phát triển.

Thủ tướng cũng mong muốn Tổ tư vấn cho ý kiến về chính sách gì để giữ  môi trường, tài nguyên, giúp tăng trưởng vừa nhanh cho thế hệ hôm nay vừa bền vững cho thế hệ sau. “Đặc biệt, chúng tôi muốn quý vị đóng góp ý kiến về những đột phá chiến lược. Bây giờ có đột phá nào mới nữa thực sự là chiến lược”, Thủ tướng nói.

“Chúng tôi cũng muốn nghe về mô hình tăng trưởng hay mô hình phát triển cần đổi mới, thay đổi như thế nào”, đặc biệt là vấn đề liên kết vùng, kinh tế vùng - một trọng điểm sẽ được quan tâm chỉ đạo trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn đóng góp ý kiến cho một vấn đề nữa là mối quan hệ giữa 3 trụ cột: Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội dân chủ hay giải pháp nào để “khoan thư sức dân”, một “kế” mà nhiều nước trong khu vực đã tập trung thực hiện như giảm mạnh thuế…

Nền kinh tế đứng trước ngưỡng cửa chuyển biến lớn

Cho rằng đây là những bài toán lớn, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định tiềm năng của nền kinh tế còn rất lớn và xuất hiện thêm không ít cơ hội mới. Nếu có giải pháp thực thi tốt, tận dụng được cơ hội mới, khai thác tốt hơn tiềm năng của nền kinh tế, trong hai năm tới vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng.

 thu tuong "dat bai" to tu van de tranh "bay" nguy hiem hinh anh 3

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Dự báo kinh tế năm 2019, Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản. Theo đó, kịch bản 1 (dựa trên giả thuyết điều kiện bình thường của nền kinh tế), GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018 – 2020. Kịch bản 2, con số này là 6,91% và kịch bản 3 là 7,06%.

Tổ tư vấn cho rằng, năm 2019, có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9-7% và lạm phát dưới 4%.

Để đạt được mục tiêu nói trên, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là hai động lực chính; khu vực tư nhân phải có biện pháp mạnh hơn nữa (so với năm 2018).

Tổ tư vấn kiến nghị ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 nút thắt căn bản (vướng mắc triển khai dự  án lớn; trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội), coi đây là những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành.

Theo tính toán của Tổ tư vấn, vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2019 – 2020 phải đạt khoảng 15% GDP thì mới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tiềm năng khu vực này còn lớn nhưng chưa được khai thác hết, Tổ tư vấn kiến nghị tập trung nhiều hơn cho các giải pháp hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, không dừng ở các giải pháp hỗ trợ tiếp cận thị trường.

Với tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, các ý kiến của Tổ tư vấn cho rằng cần tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cần xây dựng và công bố một số tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và giao một nhóm công tác (có thể giao Tổ công tác của Thủ tướng) giám sát công việc, thường xuyên đánh giá, công bố công khai kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương. 

 thu tuong "dat bai" to tu van de tranh "bay" nguy hiem hinh anh 4

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tổ tư vấn kiến nghị thay đổi một cách căn bản trong nguyên tắc xây dựng tổ chức bộ máy và phân giao nhiệm vụ cho Chính phủ, bộ ngành và địa phương theo hướng một việc chỉ giao cho một cơ quan, trong cơ quan chỉ giao một đơn vị, trong đơn vị chỉ giao một cá nhân (là tốt nhất). Đơn vị và các nhân được giao có quyền giải quyết theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân, việc tham khảo ý kiến do đơn vị, cá nhân có thẩm quyền tự quyết định; xóa bỏ cơ chế “công vụ lồng ghép”.

Điều quan trọng, theo GS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), cần phải hành động nhanh, quyết liệt bởi nếu không nhanh thì “dân tộc mình già trước khi giàu”.

Một số ý kiến nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ phải có khát vọng phát triển mạnh mẽ, như khát vọng vô địch trong bóng đá không chỉ  đơn giản là chiến thắng trong một môn thể thao mà là khát vọng ngẩng cao đầu trước thế giới.

Nhìn nhận nền kinh tế đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển biến lớn, các ý kiến cho rằng, hoàn toàn có thể phát triển với mục tiêu kép, cả chất lượng và số lượng, có thể vừa đạt tăng trưởng cao và giữ  được ổn định vĩ mô.

Không để kéo dài tình trạng người Việt ra nước ngoài khởi nghiệp

Ghi nhận các ý kiến của Tổ tư vấn, Thủ tướng cho rằng, các chuyên gia, thành viên của Tổ đã đưa ra nhiều nhận định, nhiều đánh giá sát với thực tế, trong đó có đề xuất mới, cụ thể, có tính thực tiễn cao.

“Về năm 2018, các đồng chí đã phân tích, có nhiều yếu tố đáng mừng. Tôi chỉ tóm tắt một câu, đó là chúng ta không chỉ giữ vững mà phát triển khá toàn diện trong bối cảnh quốc tế phức tạp. Có thể nói là mang lại niềm tin lớn cho gần 100 triệu dân, đời sống tốt hơn, nhất là giữ được ổn định vĩ mô, tăng trưởng cao”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh sự “bứt phá” trong khẩu hiệu hành động năm 2019.

Đối với giải pháp, Thủ tướng nhất trí cho rằng, cần phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng, xử lý ngay những tồn tại, vướng mắc, tháo các điểm nghẽn cho phát triển. Phải thực sự coi khoa học công nghệ là động lực đột phá.

Thủ tướng nhất trí đề xuất liên quan đến triển khai công nghệ 5G, giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án, “chúng ta phải quyết tâm, không chấp nhận để kéo dài tình trạng người Việt Nam kéo nhau ra nước ngoài khởi nghiệp vì chúng ta thiếu môi trường hỗ trợ cho sản phẩm sáng tạo”. Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn tham mưu thêm về vấn đề này.

Thủ tướng cũng giao Tổ tư vấn hợp tác với phía Singapore xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo theo mô hình Singapore. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng phối hợp làm vấn đề này.

Thủ tướng ghi nhận ý kiến cho rằng phải tạo chuyển biến, tháo gỡ trực tiếp, có hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền tốt hơn, khắc phục tư tưởng cuối nhiệm kỳ. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu chọn lọc các ý kiến xác đáng, đưa vào dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về các giải pháp chỉ  đạo, điều hành năm 2019 và Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

 thu tuong "dat bai" to tu van de tranh "bay" nguy hiem hinh anh 5

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về giải pháp dài hạn, Thủ tướng hoan nghênh Tổ tư vấn đã chủ động phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu đề tài mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 để tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn dành thêm thời gian, tâm trí đối với một số công việc như đóng góp vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn xa hơn cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025.

Cho biết sẽ giao VCCI tổng hợp các vấn đề bất cập, vướng mắc nhất của luật pháp mà doanh nghiệp kiến nghị, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn cùng các bộ liên quan giúp Thủ tướng đánh giá đề xuất sửa đổi những văn bản này.

Tổ tư vấn cần huy động thêm các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong nước và ngoài nước tham gia đóng góp ý kiến tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình chuẩn bị văn kiện trình Đại hội Đảng XIII.

Về hoạt động của Tổ tư vấn năm 2018, Thủ tướng cho rằng có nhiều đóng góp có giá trị, kịp thời, ông đã chọn lọc, lắng nghe để chỉ đạo đưa vào Nghị quyết của Chính phủ hoặc ra văn bản chỉ  đạo các bộ, ngành thực hiện. “Mỗi một bức thư, mỗi một đề nghị của quí vị, chúng tôi đều tư duy, giao các bộ, ngành nghiên cứu”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng mong Tổ tư vấn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp để nắm bắt thực tiễn, đề xuất kịp thời hơn nữa.

Thủ tướng cũng mong muốn Tổ tư vấn theo dõi chủ trương, quan điểm chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giúp Thủ tướng làm tốt công tác truyền thống chính sách, những gì không đồng tình có thể trao đổi trực tiếp với Thủ tướng và Thủ tướng luôn sẵn sàng lắng nghe, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, làm xã hội phân tâm.

Nguồn: Đức Tuân - (danviet.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị