Hồ Chủ tịch là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta (ảnh TL).
Nhân dịp 89 năm Ngày thành lập Đảng (3.2.1930 -3.2.2019), tròn 50 năm Hồ Chủ tịch viết bài báo cuối cùng về xây dựng Đảng (3.2.1969), PV Dân Việt có trao đổi vói PGS -TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM).
Qua nghiên cứu ông thấy tâm đắc nhất điều gì trong bài báo cuối cùng Hồ Chủ tịch viết về xây dựng Đảng?
- Đây không chỉ là bài báo cuối cùng Người viết về đạo đức cách mạng mà như là sự khái quát, tổng hợp, chắt lọc từ sự trải nghiệm trong suốt quá trình hoạt động cách mạng. Người đã khẳng định vấn đề đạo đức quan trọng thế nào đối với xã hội, đối với Đảng, thậm chí đối với từng gia đình. Người còn đúc kết những vấn đề có tính quy luật trong xây dựng rèn luyện đạo đức của con người có thể thay đổi, và đang từ chiều hướng tốt trở thành xấu hoặc đang từ chiều hướng xấu trở thành tốt nếu được giáo dục thường xuyên, được nhận thức đầy đủ, sống trong môi trường lành mạnh và ý thức tự giác rèn luyện của mỗi người trong suốt cuộc đời. Đây là điều tôi thấy rất tâm đắc của bài viết.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta đã quan tâm đến vấn đề đạo đức, nhưng cũng có lúc bị trùng xuống. Ví dụ như năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, Đại hội VI đã nhắc đến vấn đề tư tưởng nhiều hơn đạo đức. Lúc đó chúng ta xác lập phương châm xây dựng Đảng về 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức rất rõ ràng, đầy đủ, thậm chí còn nói mối quan hệ với nhau rất chặt chẽ, nhưng không nói về vấn đề đạo đức. Mãi đến năm 2016 - tức là 40 năm sau, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII mới đưa vấn đề đạo đức thành "trụ cột" thứ tư, đó là xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Đại hội XII của Đảng đã đưa đưa vấn đề đạo đức thành "trụ cột" thứ tư trong xây dựng Đảng (ảnh chinhphu).
Như vậy là đã có thời kỳ chúng ta coi nhẹ vấn đề đạo đức trong xây dựng Đảng thưa ông?
- Nói như thế không có nghĩa là chúng ta coi nhẹ quá vấn đề đạo đức, chỉ có điều không đặt vị trí xứng tầm. Rất nhiều lần Đảng cũng đề cập tới vấn đề đạo đức qua các văn kiện Đảng nhưng nằm trong tư tưởng, lẫn trong tư tưởng, nên thường hiểu là bộ phận của tư tưởng.
Hiện nay vấn đề chúng ta nhắc đến nhiều là thực trạng về đạo đức lối sống trong xã hội, trong Đảng, trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền, trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề đạo đức chỉ trong gia đình, trong cơ quan, xã hội nhưng thực ra, đạo đức ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, cả kinh tế, đối ngoại... Tôi cho rằng, nếu suy thoái về đạo đức đến mức trầm trọng, lan rộng cả xã hội thì nó có thể làm suy yếu cả thể chế chính trị, có thể làm suy tàn của một chế độ, một dân tộc.
Chính vì thế nhìn về đội ngũ đảng viên thấy đông nhưng chưa mạnh, bởi vì một số người trà trộn vào đó chỉ để lợi dụng để tiến thân, thăng quan tiến chức, làm lợi cho mình chứ tinh thần, ý thức phục vụ nhân dân, theo đuổi lý tưởng chắc chỉ ở mức độ, thậm chí họ còn có thể còn từ bỏ tổ chức nếu như lợi ích cá nhân không đạt.
PGS -TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (ảnh PV).
Giá trị trong bài viết của Hồ Chủ tịch có ý nghĩa thế nào đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay thưa ông?
- Vấn đề đạo đức cách mạng Người viết trong bài báo, Người thường chỉ rõ nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái, tiêu cực của cán bộ, đảng viên. Người nói đơn giản là chủ nghĩa cá nhân đẻ ra, tức là lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến những người xung quanh, không nghĩ tới đất nước, dân tộc. Vì lợi ích cá nhân mà vi phạm đến lợi ích của người khác, của đất nước thì phải kiên quyết chống. Đặt trong điều kinh tế thị trường hiện nay phải hài hòa, nghĩa là trong lợi ích của cá nhân đồng thời có lợi ích của đất nước của dân tộc. Nếu cá nhân làm điều tốt thì rõ ràng cũng góp phần làm cho xã hội thay đổi.
Bài viết của Bác đã đưa ra những giải pháp, đó là giải pháp cho tổ chức đảng, cho cá nhân, từ việc tăng cường giáo dục, làm gương đến tự phê bình, phê bình, xử lý sai phạm... Những điều Người nói đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là trong tình hình hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống làm cho người dân bất bình. Đảng đã nhiều lần coi đó là một trong những nguy cơ của Đảng cầm quyền.
Ở góc độ nghiên cứu, ông thấy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua đã có những đổi mới gì để đạt hiệu quả cao hơn thưa ông?
- Công tác xây dựng Đảng thời gian qua có nhiều tiến bộ. Nhìn nhận lại vấn đề về lý luận xây dựng Đảng có sự toàn diện, việc xác lập trụ cột xây dựng Đảng về đạo đức trong bốn "trụ cốt" chính đó chính là một sự hoàn thiện.
Trong những năm gần đây ngoài việc học tập đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh chúng ta cũng hoàn thiện nhiều nội dung khác. Chẳng hạn như nội dung, phương thức để xây dựng Đảng về đạo đức trong điều kiện hiện nay, điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là vấn đề rất mới so với thời trước.
Công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật của Đảng thời gian qua cũng được làm quyết liệt. Nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cấp cao, kể cả đương chức hay đã nghỉ hưu, khi phát hiện vi phạm cũng bị xử lý nghiêm trước kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều này rất được người dân đồng tình ủng hộ.
Trong công tác xây dựng Đảng, hiện nay có sự tham gia rất tốt của người dân, báo chí có tiếng nói rất quan trọng, nhìn thẳng vào sự thật để các cơ quan có trách nhiệm phải quan tâm xử lý. Xu hướng dân chủ phát triển rất nhanh. Chính vì thế những kẻ xấu dù chưa dẹp được hết nhưng rõ ràng họ cũng phải khiếp, phải đắn đo, phải điều chỉnh hành vi của mình. Nếu không, sai phạm của họ bị vạch ra thì nhiều người lên án, xã hội lên án.
Mới đây Đảng có Quy định 08 về nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Cán bộ càng cao càng phải nêu gương để lan tỏa. Cũng là hành vi lợi dụng xe công sử dụng vào việc riêng nhưng đối với cán bộ càng cao thì người dân càng để ý, càng bị phê phán mạnh, nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh. Nói điều này để thấy, cán bộ, đảng viên phải chuẩn mực ngay trong gia đình của mình, không để những chuyện lặt vặt chi phối.
Trong xây dựng Đảng, làm sao mỗi đảng viên nên phải tự ý thức rèn luyện mình xem giá trị của cuộc sống là gì. Anh tham nhũng, tiêu cực để có những tài sản lớn nhưng cuối cùng phải vào tù thì còn cái gì là được. Nghĩ tới điều đó, biết sợ điều đó để không theo đuổi những cái không chính đáng, để không bị cuốn theo những cái không chính đáng. Khi mỗi một đảng viên nhìn nhận giá trị cuộc sống một cách đích thực, phấn đấu làm những điều tốt đẹp, sẽ ngày càng góp phần làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh.
Xin cảm ơn ông (!)
Nguồn: Lương Kết - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)