Bộ trưởng nghỉ hưu bị cách chức: Văn bản đã ký có còn giá trị?

Thứ bảy, 02 Tháng 3 2019 15:23 (GMT+7)
Thời gian gần đây, nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng khi đã về hưu nhưng bị cách chức, liệu những văn bản, chứng từ đã ký có còn hợp pháp, có hiệu lực?

Thời gian gần đây nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng khi đã về hưu nhưng có vi phạm trong thời gian còn đương chức và phải chịu hình thức kỷ luật cách chức trong quá khứ. Điển hình như trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng - do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng Công thương nên đã bị xoá tư cách Bộ trưởng Công thương.

Mới đây nhất là trường hợp của ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn. Do có những vi phạm vụ MobiFone mua AVG từ thời kỳ còn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nên ông Son, ông Tuấn cũng đã phải nhận hình thức kỷ luật xoá tư cách Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Do đó, dư luận không khỏi băn khoăn rằng liệu những văn bản, chứng từ đã ký liệu có còn giá trị, hiệu lực. Về việc này, trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết - vấn đề này liên quan đến dự thảo Luật cán bộ công chức, Luật Viên chức.

Theo đó, Luật Cán bộ công chức ra đời năm 2008 còn Luật Viên chức ra đời năm 2010, qua 10 năm thực hiện đã có một số bất cập.

bo truong nghi huu bi  cach chuc: van ban da ky co con gia tri? hinh anh 1

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa. Ảnh: T.An

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa phân tích, luật Cán bộ, công chức ra đời năm 2008 và Luật Viên chức ra đời năm 2010, qua 10 năm thực hiện, tổng kết lại thì đã thấy có những điểm bất cập. Do đó, vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ được giao thành lập Ban chỉ đạo soạn thảo, biên tập, các bộ ngành tham gia và đã tiến hành dự thảo nội dung luật sửa đổi này.

Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi rất nhiều điều luật, trong đó có nội dung xem xét kỷ luật cán bộ thời từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng luật này chỉ đề cập đến vấn đề là xem xét, xử lý về hành vi, đối tượng, thời hạn, thời hiệu đối với cán bộ trước đây đã từng làm lãnh đạo. 

Trong luật không đề cập đến vấn đề xem xét những văn bản mà thời kỳ khi còn đảm nhận chức vụ, còn “sở hữu trách nhiệm”. Việc xem xét, xử lý vấn đề này được các văn bản pháp lý khác quy định.

“Về nguyền tắc, theo tôi hiểu là dù khi còn công tác hoặc không công tác nhưng văn bản cán bộ, lãnh đạo ban hành sai đều sẽ xem xét, xử lý. Còn những văn bản theo luật, hợp thức thì sẽ không trình lại” – Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nói.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hiện dự án luật này vẫn đang ở trong thời gian dự thảo. Bộ Nội vụ vừa qua đã trình Thủ tướng Chính phủ và dự kiến Chính phủ sẽ xem xét trong kỳ họp tới. Nếu Chính phủ thông qua thì sẽ trình lên Quốc hội kỳ họp tới.

Thành An - (danviet.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị