Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi tiếp - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Bày tỏ vui mừng, xúc động được tiếp đoàn, Phó Thủ tướng khẳng định nước ta có truyền thống lịch sử hào hùng, trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đã viết nên nhiều trang sử vẻ vang của dân tộc, thể hiện truyền thống một dân tộc hào hùng, khí phách, kiên cường, bất khuất, không chấp nhận làm nô lệ. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam, cả nước có khoảng 9 triệu người có công với cách mạng đang được hưởng chính sách.
Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người có công, các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày, đã có nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, phụ cấp, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp nuôi dưỡng, mai táng phí, ưu tiên trong giáo dục - đào tạo dạy nghề, việc làm, các chính sách về đất đai, tín dụng để phát triển sản xuất.
Chính phủ, lãnh đạo các địa phương, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thường xuyên tổ chức các phong trào đền ơn đáp nghĩa, các buổi viếng thăm nhân ngày lễ, Tết, thể hiện tấm lòng với người có công, gia đình chính sách. Các phong trào lan tỏa rộng khắp, góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, đền đáp công ơn hy sinh xương máu của các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, dù có làm bao nhiêu cũng chưa đủ để đền đáp sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh trong chiến tranh. Hết lòng, hết sức chăm lo cho gia đình chính sách là trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, để việc làm ý nghĩa này ngày càng hiệu quả hơn, thể hiện một xã hội trọng tình, trọng nghĩa, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Phó Thủ tướng cho biết, sau khi tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi, xử lý những vướng mắc trong quy định và quan tâm bố trí ngân sách hỗ trợ người có công, giao UBND cấp tỉnh rà soát để bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước. Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công, theo đó, chính sách ưu đãi ngày càng được nâng lên.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cà Mau trong việc chăm lo cho người có công, gia đình chính sách, thể hiện sâu sắc truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh làm tốt hơn nữa công tác này, bên cạnh nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương, cần chủ động sử dụng ngân sách địa phương, huy động thêm nguồn lực xã hội để tạo điều kiện chăm lo tốt hơn nữa cho gia đình chính sách, người có công.
Phó Thủ tướng cũng mong người có công của tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao gương sáng cho thế hệ trẻ, vận động gia đình, giáo dục con cháu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên của đoàn tích cực tham gia ý kiến xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Là tỉnh cuối cùng cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau thuộc vùng căn cứ cách mạng trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Sau khi đất nước hòa bình, vùng đất này phải chịu hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề, số đối tượng người có công trong tỉnh lên tới trên 108.500 người; trong đó có hơn 17.800 liệt sỹ, 16.500 thương binh; 2.460 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Số đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 19.657 người.