2 tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Trần Hưng Đạo thăm Trung Quốc

Thứ hai, 15 Tháng 4 2019 17:38 (GMT+7)
Biên đội tàu hộ vệ tên lửa gồm 2 tàu 011-Đinh Tiên Hoàng và 015-Trần Hưng Đạo đã rời Quân cảng Cam Ranh bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc và các hoạt động hải quân đa phương

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đáp lại lời mời của hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc chiều ngày 14-4, biên đội tàu hộ vệ tên lửa gồm tàu 011-Đinh Tiên Hoàng và 015-Trần Hưng Đạo đã khởi hành từ Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, tham dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc (tại TP Thanh Đảo) và các hoạt động hải quân đa phương với hải quân các nước trên thế giới.

2 tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Trần Hưng Đạo thăm Trung Quốc - Ảnh 1.

Biên đội 2 tàu 011-Đinh Tiên Hoàng và 015-Trần Hưng Đạo rời Quân cảng Cam Ranh

Đại tá Nguyễn Đình Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, trưởng đoàn công tác. Tham dự đoàn có đại diện các cơ quan Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, đội quân nhạc và Văn công Hải quân. Quãng đường hành trình của 2 tàu 011-Đinh Tiên Hoàng và 015-Trần Hưng Đạo dự kiến hơn 3.600 hải lý.

Chuyến đi nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa quân đội và hải quân hai nước, góp phần thúc đẩy đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển đi vào chiều sâu; tăng cường hợp tác, giao lưu với hải quân các nước trên thế giới thông qua các hoạt động đa phương.

2 tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Trần Hưng Đạo thăm Trung Quốc - Ảnh 2.

Đại tá Nguyễn Đình Hùng, trưởng đoàn công tác

Chuyến đi còn nhằm huấn luyện, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, sẵn sàng chiến đấu, trình độ thao tác làm chủ trang bị mới của bộ đội khi hoạt động dài ngày trên biển đồng thời tích lũy kinh nghiệm tổ chức các sự kiện quốc tế.

Được biết, 2 tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Trần Hưng Đạo là tàu lớp "Gepard-3.9" được Việt Nam đặt mua của Nga.

Sau khi nhận bàn giao và đưa vào trang bị những tàu đầu tiên vào năm 2011, hải quân Việt Nam hiện đã thực sự làm chủ các tàu hộ vệ tên lửa, cũng là những chiến hạm hiện đại nhất lúc này của hải quân Việt Nam có khả năng tàng hình, với các hoạt động như độc lập thử tên lửa chống hạm Uran-E (Kh35), tổ chức huấn luyện đường dài, huấn luyện hạ - cất cánh máy bay lên thẳng săn ngầm K28…

Chiến hạm lớp "Gepard-3.9" có chiều dài 102 m, rộng 13,7 m, lượng dãn nước toàn phần khoảng 2.100 tấn, tốc độ 21 hải lý/giờ, tầm hoạt động khoảng 5.000 hải lý, thời gian chạy liên tục trên biển 20 ngày đêm, có thể chịu được sóng gió cấp 10-12.

Trên tàu được trang bị hệ thống vũ khí phòng vệ và tấn công tân tiến như tên lửa chống tàu Uran-E (Kh35), pháo hạm đa năng AK-176, tổ hợp pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma, ống phóng ngư lôi 533 mm…

Phía đuôi tàu có bãi đáp cho trực thăng chống ngầm Ka-28. Với nhiệm vụ chính là chống tàu ngầm, Ka-28 được trang bị các thiết bị và vũ khí có thể phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp "Gepard-3.9" có khả năng tàng hình, có thể theo dõi, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm; đồng thời phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế một cách độc lập hoặc tác chiến theo biên đội.

Theo Báo Hải Quân - (nld.com.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị