Ông Huỳnh Hữu Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ - Bộ Công an, bảo vệ Bác Hồ từ năm 1945 đến 1951. Thiếu tướng Phan Văn Xoàn cũng là Cục trưởng Cục Cảnh vệ, bảo vệ Bác Hồ từ năm 1955 đến 1969. Hai ông đã bảo vệ Bác Hồ gần hết những năm Bác là Chủ tịch nước. Hai ông đã có nhận xét về Bác: Đi thăm bất cứ cơ sở nào, Bác không muốn báo trước vì đi bất ngờ mới thấy được thực tế.
Thăm cơ sở, đâu phải để được đón tiếp
Bác giải thích mình muốn đi để thấy cảnh thật, người thật, việc thật chứ đâu muốn đi để thấy cảnh đón tiếp. Đã để đón tiếp thì sau khi không còn đón tiếp nữa, cuộc sống lại trở về như cũ, đúng với sự thật vốn có. Nhiều lãnh đạo càng đi thăm cơ sở càng quan liêu, xa rời cuộc sống dù vẫn đinh ninh đã "mắt thấy tai nghe" tại chỗ. Về địa phương chỉ họp với lãnh đạo, cán bộ lại gặp cán bộ, nếu lãnh đạo trung ương về cơ sở gặp người dân mà có lãnh đạo địa phương đi cùng thì người dân sao dám nói tiêu cực. Bệnh thành tích đã làm cho tình hình mọi mặt của địa phương không còn trung thực, đặc biệt đối với lãnh đạo bên trên về. Địa phương nào cũng ra sức "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại, có nơi thành tích chỉ có một, tô vẽ thành hai, ba, thậm chí "bịa đặt không thành có".
Bác Hồ về thăm một địa phương, cô giáo trường làng phải mượn dép để trang bị cho những em nhỏ thường ngày vẫn đi chân đất đến trường. Bác đến thăm một gia đình thương binh, nhà chỉ có 2 cái ghế cũ kỹ, không có phích nước, ấm chén thì cọc cạch. Lãnh đạo địa phương đã bố trí bàn ghế, phích nước, ấm chén tươm tất. Có lẽ vì vậy, đồng chí Phan Văn Xoàn kể lại: Tết nguyên đán năm 1962, Bác dặn anh em bảo vệ đưa mình đến thăm một gia đình thực sự nghèo sống ở thủ đô nhưng không được cho lãnh đạo địa phương biết. Nếu để địa phương chọn người nghèo thì rất có thể họ chỉ chọn người nghèo vừa vừa thôi. Anh em cảnh vệ đã tìm được chị Tín, nghèo nhất phố Hàng Chỉnh. Chị sống cảnh góa bụa, một mình nuôi 4 con, đêm 30 Tết còn phải đi gánh nước thuê để lấy tiền đong gạo. Trời mưa phùn giá lạnh, được Bác đến thăm bất ngờ, ngỡ như trong mơ, chị buông rơi đôi thùng gánh nước, ôm chầm lấy Bác. Bác cũng xúc động rưng rưng khi biết 5 mẹ con chỉ còn một lon gạo ăn Tết. Bác cho gọi các cán bộ có trách nhiệm của Hà Nội đến phê bình và chỉ thị phải trợ cấp khó khăn cho gia đình chị Tín.
Bác Hồ trong một lần tới thăm, nói chuyện với công nhân nhà máy cơ khí Thanh Hóa Ảnh: Tư liệu
"Bác chỉ là người đầy tớ của dân"
Bác Hồ coi quan liêu là "giặc ở trong lòng", sức tàn phá của quan liêu không kém giặc ngoại xâm. Vì vậy, trong một bài phát biểu, Bác Hồ coi quan liêu là giặc nội xâm. Sau Đại thắng Mùa Xuân 1975, lãnh đạo về địa phương ngày càng xa cơ sở, xa dân vì quy định cách đón tiếp có công văn, chỉ thị hẳn hoi cho các tỉnh trên cả nước: từ Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội trở lên về làm việc tỉnh nào, nơi đó phải đón lãnh đạo trung ương tại nơi giáp ranh với tỉnh bạn và từ nơi giáp ranh, xe công an mở đường, đưa lãnh đạo trung ương về nhà khách của tỉnh, ở đây đã có khẩu hiệu nổi bật "Nhiệt liệt chào mừng đồng chí… về thăm". Lãnh đạo trung ương ở tỉnh nào, về thăm huyện, xã hoặc nhà máy, xí nghiệp cũng có xe công an bảo vệ và ở đó cũng phải có khẩu hiệu. Dân đã quen và vẫn rất nhớ những chuyến về thăm dân của Bác Hồ, chẳng có xe công an, khẩu hiệu và bao giờ dân cũng được gặp Bác Hồ trước rồi cán bộ huyện, tỉnh mới lục tục đến sau vì thời đó chưa có điện thoại di động. Ở đâu dân cũng rất băn khoăn tại sao lãnh đạo Đảng và nhà nước không noi gương Bác Hồ về cơ sở thăm dân lặng lẽ, bình thường như Bác từng căn dặn anh em cảnh vệ: "Bác chỉ là đầy tớ của dân về với những người chủ của mình chứ có phải quan về với dân đâu".
Những bất ổn ở nông thôn Thái Bình kéo dài hơn 4 năm, dù tỉnh này gần Hà Nội vì bọn tham nhũng nắm quyền thao túng lại không có sự giám sát của trên. Lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở trung ương đều về Thái Bình, nhưng chỉ nghe cán bộ địa phương báo cáo. Thiếu hẳn những chuyến đi về cơ sở gặp dân, lắng nghe dân mới nắm bắt được "cảnh thật, người thật, việc thật". Mọi chính sách phải bám sát thực tiễn mới hợp lòng dân, mới mang lại lợi ích thiết thực cho dân nhưng lãnh đạo trung ương về Thái Bình chỉ biết mọi việc trên ngọn.
Tổng kết tình hình Thái Bình mấy năm bất ổn ở nông thôn, những nguyên nhân chủ yếu đã được nêu lên, trong đó nổi bật vẫn là quan liêu của lãnh đạo trung ương, kể cả thanh tra, kiểm tra cũng quan liêu. Bản tổng kết đã đăng trên Báo Nhân Dân ngày 2-3-1998: "Để xảy ra sự việc khiếu kiện tập thể gay gắt ở Thái Bình và để tình hình rối ren nghiêm trọng khi sự việc đó xảy ra còn là hệ quả của nhiều sai phạm của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Khi sự việc xảy ra thì với tư tưởng chủ quan, tự mãn và quan liêu đã làm mất khả năng nhạy bén về chính trị, lại có hiện tượng che giấu, bưng bít sự thật cộng với nhiều sai phạm về phẩm chất có dính đến một số cán bộ chủ chốt, cho nên trong chỉ đạo điều hành vừa tránh né buông trôi vừa nóng vội đánh giá sai nguyên nhân của tình hình, không dám nhìn thẳng vào sai lầm chủ quan, dẫn đến lúng túng, bị động và liên tiếp phạm nhiều sai lầm trong quá trình xử lý và đã để mất ngọn cờ lãnh đạo. Đáng chú ý là đến tháng 7-1997, Thường vụ Bộ Chính trị đã đề ra biện pháp chỉ đạo nhưng tỉnh chưa thông suốt, không thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tình hình Thái Bình phức tạp như vậy đến vai trò lãnh đạo của Đảng cũng không còn nữa mà các cơ quan có trách nhiệm của trung ương vẫn đánh giá Đảng bộ Thái Bình là trong sạch vững mạnh".
Quan liêu đến như thế là cùng, thảo nào các vụ khiếu kiện tập thể kéo dài của nhân dân Thái Bình về trung ương lại cho là đều do các phần tử xấu kích động, xúi giục nhằm bôi nhọ Đảng bộ Thái Bình.
Tham ô là trộm cướp
Xa cơ sở, xa dân, bệnh quan liêu trong lãnh đạo các cấp ở trung ương ngày càng trầm trọng. Trong bài phát biểu tại hội nghị chính quyền các cấp phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm tại Việt Bắc ngày 17-3-1952, Bác Hồ đã nói đến tiêu cực nặng nề về mọi mặt do quan liêu gây ra. "Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn tham ô. Có nạn tham ô và lãng phí là do bệnh quan liêu. Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn. Nói tóm lại, vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu nên có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu. (Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí - "Hồ Chí Minh toàn tập" - tập 6, trang 495).
Thái Duy - (nld.com.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)