ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang -ảnh quochoi.vn).
Trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.
Chính phủ đề nghị bổ sung vào Điều 84 quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu theo hướng: cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, Chính phủ xin Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở một nghị định.
Góp ý về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng dẫn lại trường hợp cụ thể việc Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 -2016 với ông Vũ Huy Hoàng.(Ông Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng; ông cũng bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương(nhiệm kỳ 2011-2016).
“Bị xóa tư cách như thế thì tất cả những hiệp định Bộ trưởng này đã ký thì thế nào”, ĐB Kim Bé nêu vấn đề. Theo bà, việc xóa tư cách cả nhiệm kỳ thì coi như cả khóa XIII của Quốc hội không có Bộ trưởng này, vậy liên quan đến những văn bản ông đã ký thì sao?
Vẫn theo ĐB Kim Bé, cán bộ sai phạm dù về hưu cũng không có chuyện “hạ cánh an toàn”, nhưng vấn đề khi đưa vào luật thì phải quy định như thế nào để có tính pháp lý cao vì nếu không khéo thì hệ lụy của việc xử lý này sẽ kéo theo một loạt vấn đề pháp lý khác.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (ảnh quochoi.vn).
Cũng đề cập tới vấn đề xử lý cán bộ nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, hiện chúng ta chưa có hướng giải quyết ổn.
“Chức năng quản lý và chức danh của một người gắn với tất cả hành vi pháp lý mà người đó thực hiện trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Khi họ về hưu, cơ quan chức năng phát hiện họ vi phạm, thi hành kỷ luật cách chức, thì có một vấn đề pháp chế đặt ra chưa có cách để xử lý. Đó là những hành vi mà con người cụ thể đó thực hiện trong quá trình thực thi chức trách theo luật định có còn giá trị pháp lý không? Chính phủ cũng có đề xuất nhưng giải pháp chưa hữu hiệu, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cần phải tính toán để có hướng xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm đã nghỉ hưu bằng các hình thức nào đó để có thể chấp thuận được. Còn vấn đề gắn với thực hiện các chức trách nhiệm vụ của một cá nhân, của một chức danh cụ thể nào đó trong giai đoạn họ còn đương chức là không nên.
Ngọc Lương - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)