Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Ảnh: quochoi.vn
Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Tại phiên thảo luận, có 32 đại biểu tham gia phát biểu và 1 đại biểu tham gia tranh luận. Theo đó, đa số đại biểu đánh giá cao và tán thành với báo cáo của Đoàn giám sát.
Các ý kiến phát biểu tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Những hạn chế, bất cập của chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai; việc kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, thực hiện công tác quản lý đất đai; sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành; việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT;
Việc xác định giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi; việc rà soát các dự án treo, quy hoạch treo; đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai; việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; những vướng mắc khi thực hiện các quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng; trình tự, thủ tục việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xây dựng dữ liệu quản lý đất đai toàn quốc; vấn đề sử dụng đất nông nghiệp trước và sau cổ phần hóa; đấu giá quyền sử dụng đất…
Trong quá trình thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là một chuyên đề giám sát rất quan trọng của Quốc hội, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
Phiên thảo luận đã diễn ra trong không khí sôi nổi, sâu sắc, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Quốc hội ghi nhận những cố gắng của Đoàn giám sát và sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện giám sát chuyên đề.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, qua thảo luận, các ý kiến đại biểu cho rằng đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, quản lý đất đai đô thị, hạn chế thất thoát, lãng phí. Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại các địa phương dần đi vào nề nếp.
Việc tuân thủ quy hoạch đô thị và chấp hành pháp luật về đất đai đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất đai được chú trọng. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được cấp chính quyền quan tâm; các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp đã được tập trung chỉ đạo xử lý, giảm dần qua từng năm. Hệ thống đô thị khang trang, hiện đại được hình thành tạo ra không gian sống tốt hơn cho người dân…
Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị; bổ sung thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về những hạn chế, yếu kém trong việc quy hoạch, giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; các phương pháp xác định giá đất cần sát với thị trường; quy định rõ việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT;
Vấn đề quản lý, sử dụng đất còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình, nhà ở trái phép, sử dụng đất sai mục đích; việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp đất đai; trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu và vấn đề phân công, phân cấp quản lý giữa Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Trên cơ sở đó, đề nghị Đoàn giám sát, các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi có Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 để trình Quốc hội xem xét, thông qua.