Luật phải dừng xuất cảnh những cá nhân có vấn đề

Thứ tư, 29 Tháng 5 2019 08:30 (GMT+7)
Chiều 28-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và sau đó Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về nội dung này.

Theo tờ trình, dự thảo luật có nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Cụ thể, không đặt vấn đề "nộp hồ sơ" khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng internet. Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục tại công an địa phương nơi thuận tiện nhất.

Đối với hộ chiếu phổ thông, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần 2 trở đi được lựa chọn nơi tiếp nhận tờ khai. Công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu. Hộ chiếu cấp riêng cho từng người. Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử hoặc không gắn chip điện tử.

Luật phải dừng xuất cảnh những cá nhân có vấn đề - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị luật phải có quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh Ảnh: VĂN DUẨN

Thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng luật cần nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi xuất nhập cảnh. Ông Hưng dẫn chứng trường hợp Đoàn Thị Hương (vừa qua bị tòa án Malaysia tuyên án 3 năm 4 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích bằng hung khí hoặc cách thức nguy hiểm" - PV) khi trở về Việt Nam đã ứng xử như một "ngôi sao" thì trách nhiệm của công dân này ra sao, phải xử lý như thế nào?

Về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh, ĐB Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là người có nghĩa vụ đóng BHXH có thể bỏ trốn. Bởi thực tế không ít trường hợp chủ doanh nghiệp sau một thời gian làm ăn ở Việt Nam thì bỏ trốn, để lại hậu quả rất nặng nề cho người lao động.

Còn ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng dự thảo luật quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ là "vừa thừa vừa thiếu".

Ông Hiển nêu thực tế vừa qua, dư luận rất bức xúc với các trường hợp không nằm trong diện quy định tạm hoãn xuất cảnh như Trịnh Xuân Thanh, ông chủ Nhật Cường Mobile. "Những trường hợp này chưa bị khởi tố vụ án, chưa bị bắt, chưa bị tạm giữ và cũng chưa có đơn tố giác. Nhưng trong tình huống này, rõ ràng vụ việc rất nghiêm trọng, tại sao họ vẫn xuất cảnh, vẫn bỏ trốn được?" - ĐB Hiển đặt câu hỏi và đề nghị luật phải xử lý được những trường hợp như vậy.

V.Duẩn - Ng.Dung - Ng.Hưởng - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị