ĐBQH Nguyễn Quốc Hận phát biểu (ảnh quochoi.vn).
Sáng nay (30/5), Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017.
ĐB Nguyễn Quốc Hận đã đề cập tới giải pháp thu hồi tài sản triệt để trong các vụ án tham nhũng, kinh tế mà Chính phủ đã đề ra trong nhóm giải pháp thứ 5 trong báo cáo.
“Theo tôi đây là một nhiệm vụ cần thiết và giải pháp hiệu quả. Bởi vì trong điều kiện kinh tế -xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, có nhiều công trình, hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tính mạng của người dân không đủ vốn đề đầu tư thì các vụ án tham nhũng, kinh tế làm thất thoát cho Nhà nước hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng được phanh phui thực sự là vấn đề bức xúc”, ĐB Hận nói.
Vẫn theo ĐB Hận, những cá nhân gây ra tham nhũng là tội đồ đáng bị lên án, đáng bị pháp luật xử lý một cách nghiêm minh nhất. “Nhưng theo tôi hành vi cố ý gây thất thoát hoặc tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng thì dù cho bị bản án cao nhất là tử hình thì cũng chưa đảm bảo tính răn đe, chưa đảm bảo công bằng cho xã hội. Bởi lẽ, với số tiền đó, nếu không bị thất thoát do tham nhũng, chúng ta có thêm vốn đầu tư cho các kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối, xây dựng các công trình phòng chống lở đất, chống lũ ống, lũ quét sẽ góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng do hiện tượng thiên tai gây ra”, ĐB Hận nói.
Vị ĐB này khẳng định, ngoài chế tài nặng xử lý đối tượng tham nhũng thì vấn đề thu hồi tài sản bị thất thoát là nội dung rất cần thiết và có tình răn đe cao trong công tác phòng, chống tham nhũng. Chống được tư tưởng hy sinh đời bố, chỉ ở tù vài chục năm nhưng gia đình vợ con sống an nhàn, sung túc cả đời.
“Nếu chúng ta thu hồi được đầy đủ tài sản thất thoát do tham nhũng gây ra, cùng với sự tù tội của đối tượng tham nhũng, sự ô nhục của dòng tộc, cộng thêm gia đình họ phải gánh chịu khắc phục hậu quả về kinh tế do, tôi tin rằng nhiều người sẽ cân nhắc không dám phạm tội”, ĐB Nguyễn Quốc Hận nói.
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân phát biểu (ảnh quochoi.vn).
Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an Đắk Lắk cho biết, nhiều cử tri lo lắng trước tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen ngày càng tăng, tình trạng trên không chỉ ở các thành phố lớn mà đã xuất hiện ở các vùng nông thôn, các vùng xa xôi hẻo lánh. “Hệ lụy là nhiều gia đình tan gia bại sản, gây mất trật tự an ninh xã hội. Trong khi pháp luật của chúng ta chưa gọi tên để xử lý được loại tội phạm này”, ĐB Xuân nói.
Theo ĐB Xuân, có cử tri đã đề xuất với Chính phủ phải nghiên cứu xem lại việc cho ra đời những tổ chức mang danh tài chính nhưng thực chất là huy động vốn trá hình, cho vạy nặng lãi và đòi nợ thuê. Đồng thời đề xuất với Chính phủ phải khẩn trương bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Ngọc Lương - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)