Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu giải trình sáng 31/5. Ảnh: quochoi.vn
Sáng nay (31/5), sau phần phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thái Trường Giang (Cà Mau) đã giơ biển xin tranh luận.
Vị đại biểu này đã đề cập tới câu chuyện bệnh thành tích trong giáo dục, ông nhắc lại phát biểu chiều qua (30/5) của mình. Ông Thái Trường Giang khẳng định đây là căn bệnh trầm kha và nó liên quan đến các ngành, lĩnh vực khác trong xã hội chứ không riêng ngành giáo dục.
ĐB Thái Trường Giang phát biểu. Ảnh: quochoi.vn
“Tôi thấy ý kiến trao đổi trước Quốc hội sáng nay của Bộ trưởng Bộ GDĐT không đề cập tới vấn đề bệnh thành tích, để làm rõ hơn cho cử tri biết xem bệnh thành tích có trầm trọng hay không. Tôi cho rằng Bộ trưởng cần có thái độ dứt khoát hơn để chấn hưng nền giáo dục nước nhà, chứ không chỉ nhận trách nhiệm chung chung như Bộ trưởng đã trình bày”, đại biểu Thái Trường Giang nói.
Cũng phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho biết, ông chia sẻ khó khăn của Bộ GDĐT nhưng ở góc độ quyền lợi cử tri, ông thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chưa đề cập đến việc giải quyết quyền lợi của thí sinh bị trượt oan. "Tôi đề nghị Bộ GDĐT và các trường đã loại thí sinh gian lận phải gọi, bù lại số cháu mất cơ hội, bảo đảm công bằng", đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói.
Về đánh giá của Bộ trưởng Bộ GDĐT khi cho rằng kỳ thi THPT Quốc gia đã đạt một số kết quả, ĐB Thái Trường Giang cho rằng " trên thực tế không thể hiện như thế".
"Tôi đề nghị Bộ trưởng xem xét đánh giá tác động của việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giao cho các trường đại học tự chủ thi cử cả đầu vào và đầu ra", đại biểu Giang nói.
Cũng phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho rằng, từ khi tổ chức thi chung, những bất cập luôn có, hệ luỵ luôn xảy ra và gian lận điểm thi năm 2018 là minh chứng.
“Theo tôi, việc tích hợp hai kỳ thi có hai mục đích hoàn toàn khác nhau sẽ còn xảy ra những hệ lụy khó lường. Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, để xét công nhận tốt nghiệp, đây là quá trình 3 năm các em học THPT, có khối lượng kiến thức rất lớn, nhiều môn. Chỉ trong mấy môn thi tốt nghiệp thì không thể đánh giá cả quá trình học và quá trình học các em đều thi hết môn, đạt 5 điểm trở lên mới đạt yêu cầu trong khi tốt nghiệp chỉ cần không đạt điểm liệt, tức là trên 1 điểm là được công nhận, chỉ với tổng số điểm tốt nghiệp cộng với tổng kết năm lớp 12 trên 5 điểm là được, rõ ràng có sự không công bằng”, đại biểu Thu Dung nói và cho rằng, hướng tới tự chủ đại học nên để các trường chủ động tuyển sinh đại học. Vì vậy, nên tách hai kỳ thi này, xét tốt nghiệp nên giao cho các địa phương chỉ xét mà không cần thi.
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên). Ảnh: quochoi.vn
Phát biểu tranh luận với đại biểu Trường Giang và đại biểu Thu Dung, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng, thực tế, việc gộp 2 kỳ thi đã phát huy nhiều ưu điểm.
Thứ nhất, giảm áp lực, tốn kém cho người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh chọn trường, tăng cường phân luồng bởi thí sinh thi tại địa phương tâm lý sẽ thoải mái hơn, gia đình thí sinh giảm được chi phí tốn kém trong sinh hoạt, đi lại.
Ưu điểm thứ hai, việc tổ chức kỳ thi sẽ làm căn cứ quan trọng để các trường trung học phổ thông đánh giá lại chất lượng giáo dục trong những năm học phổ thông. Đây là việc điều chỉnh lại phương pháp dạy học và kết quả mà khối phổ thông và các trường cụ thể đã triển khai và tiến hành trong một thời gian, cũng để đánh giá, điều chỉnh lại phương pháp dạy học. Thí sinh khi biết phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp thì thái độ trong quá trình học sẽ tích cực hơn bởi khi vào phòng thi, mỗi thí sinh là một đề thi, mã đề khác nhau, vậy nên sẽ phải học và thi thực chất buộc các em phải học thật.
“Nếu chỉ xét tốt nghiệp thì việc giảng dạy của các giáo viên tại trường phổ thông sẽ gặp khó khăn bởi học sinh trong quá trình học sẽ không tích cực và việc giảng dạy, đưa phương pháp cho học sinh sẽ khó khăn hơn”, đại biểu Phúc nói.
Lương Kết - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)