Sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với hàng loạt vấn đề nóng như công trình giao thông đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém, cũng như việc quản lý vận tải, xe hợp đồng điện tử...
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Bao giờ xong, kỷ luật ai chưa?
Đó là chất vấn của ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) khi cho rằng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông kéo dài do tổng thầu Trung Quốc triển khai chưa theo đúng cam kết và điều này rất khó chấp nhận. "Quan điểm của Bộ GTVT là cá nhân, tổ chức nào vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - ông Thể khẳng định và cho biết đã chỉ đạo điều chuyển cán bộ, bố trí những cán bộ tốt nhất cho dự án.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Minh Đức (TP HCM) và ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) về truy trách nhiệm các cá nhân để dự án này đội vốn khi điều chỉnh tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh lên 18.000 tỉ đồng, hiện chậm tiến độ 6 năm, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết dự án này thực hiện theo hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó tổng thầu do bên cho vay vốn là Trung Quốc chỉ định.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết hiện phần xây lắp và cung cấp thiết bị đã hoàn thành 99%, 1% còn lại là còn một số hạng mục nhỏ. Bộ đã thuê tư vấn của Pháp để đánh giá an toàn hệ thống. Khi chứng nhận tất cả thiết bị bảo đảm an toàn hệ thống thì mới có thể vận hành thương mại. "Về thông tin đội vốn dự án này, tôi nghĩ sắp tới, các cơ quan như thanh tra, kiểm toán, thậm chí cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ vào cuộc để làm sáng tỏ các vấn đề phát sinh đúng sai. Nếu những đơn vị, cá nhân nào chủ quan, làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" - ông Thể nói.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) về việc nhiều dự án của ngành giao thông chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém thì có truy đến cùng trách nhiệm cá nhân không, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết đa số dự án này rơi vào các dự án đường sắt đô thị và do các yếu tố trượt giá, công nghệ mới, thay đổi quy mô đầu tư, nên một số dự án có đội vốn. Tuy nhiên, theo ông Thể, Bộ GTVT đã cùng cơ quan chức năng, cơ quan điều tra vào cuộc để kiểm tra; những cá nhân, tổ chức nào vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý.
Không đồng tình, ĐB Nguyễn Hữu Cầu tranh luận: "Tôi thấy bộ trưởng trả lời còn né tránh vì không chỉ có các dự án đường sắt đội vốn, mà trong tài liệu kiểm toán chúng tôi nghiên cứu, còn có nhiều dự án đội vốn rất lớn". Ông Cầu đề nghị phải quy trách nhiệm đến cùng cá nhân nào gây ra tình trạng thất thoát, lãng phí này để xử lý nghiêm.
BOT gây bức xúc
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) khẳng định các dự án BOT giao thông chưa minh bạch, từ đấu thầu, xây dựng, đặt trạm, mức phí, thời gian thu phí đã gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. "Bộ trưởng cho biết cách xử lý dứt điểm những bất cập này, đặc biệt là đối với 2 trạm BOT Cai Lậy và BOT T2, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trạm BOT Cai Lậy và BOT T2 thực hiện theo Nghị định 108 của Chính phủ, khi tổ chức đặt trạm phải lấy ý kiến của chính quyền địa phương, tức UBND các tỉnh nơi có trạm BOT. Tuy nhiên, Bộ GTVT rất thận trọng và lấy ý kiến của 3 đơn vị: UBND, đoàn ĐBQH của tỉnh và HĐND tỉnh. "Chúng tôi mở rộng diện lấy ý kiến nhiều hơn so với Nghị định 108 và 2 trạm này chúng tôi đều lấy ý kiến các cơ quan trên của tỉnh Tiền Giang và TP Cần Thơ" - ông Thể giải trình.
Ông Thể khẳng định bức xúc hiện nay liên quan đến nhiều vấn đề. Đối với trạm BOT T2, Bộ GTVT đang chuẩn bị khởi công tuyến tránh TP Long Xuyên và khi có tuyến tránh này thì các vấn đề liên quan đến BOT T2 sẽ được giải quyết ổn thỏa. "Chúng tôi đã tạm dừng thu phí, nghiên cứu các phương án, sắp tới lấy ý kiến của 2 tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và các bên liên quan để xem xét giải pháp cho BOT T2. Riêng với BOT Cai Lậy, Thủ tướng giao 3 phó thủ tướng xem xét, trong đó có vấn đề an ninh chính trị. Chúng tôi cũng đã trình các phương án, khi có ý kiến chỉ đạo thì sẽ thực hiện" - ông Thể cho biết.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể . Ảnh: QUANG VINH
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này. Tuy nhiên, trước đó 2 bộ GTVT và Kế hoạch - Đầu tư cho rằng Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông với lý do đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân. "Xin hỏi Bộ trưởng vì sao 2 bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT. Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không? Có lợi ích nhóm ở đây không?" - ĐB Phương nêu.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 5-6. Ảnh: QUANG VINH
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định ngay từ khi dự án BOT triển khai, bộ đã mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán chứ không phải như thông tin nói rằng Bộ GTVT không đồng ý cho kiểm toán vào. "Chúng tôi chủ động mời và thậm chí mời cả công an" - ông Thể nói.
Giải trình rõ hơn, ông Thể cho biết theo quy định, khi dự án được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư, nhà đầu tư triển khai xong phải thực hiện công tác quyết toán. Căn cứ vào quyết toán thực tế sẽ điều chỉnh lại hợp đồng và hợp đồng cuối cùng mới là hợp đồng cho thu phí. "Vì vậy, số liệu các ĐB đã phản ánh là đúng nhưng nó đúng với dự án được duyệt, còn số liệu thực tế quyết toán và cho thu phí thì giảm chứ không phải như số liệu của kiểm toán" - ông Thể nói.
"Trả lời của Bộ trưởng không thật chính xác. Và thưa Bộ trưởng, bộ chỉ mời kiểm toán 3 dự án đó là hầm Đèo Cả, Trung Lương - Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn, còn trước đó, Bộ GTVT cũng đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch - Đầu tư là không được kiểm toán các dự án BOT giao thông" - ĐB Phương tranh luận. Một lần nữa, bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định: "Các dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước đã vào làm cùng với nhà đầu tư, đó là sự chỉ đạo của bộ chứ không phải ý thức của từng nhà đầu tư".
Chấn chỉnh tiêu cực trong đào tạo lái xe
ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An và ĐB Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, cho biết thời gian qua xảy ra nhiều vụ tài xế sử dụng rượu bia, ma túy gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, thảm khốc. Một trong những nguyên nhân theo cử tri là việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe và việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo, tiêu cực. Các ĐB đề nghị bộ trưởng nêu trách nhiệm và giải pháp.
Bộ trưởng Bộ GTVT thừa nhận một số tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây bất an cho xã hội có liên quan đến tài xế và công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Do đó, bộ đã tập trung thanh tra, kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. Bên cạnh sửa đổi các quy định pháp luật, sẽ tăng cường giám sát giờ học của các học viên, giám sát thời gian tập trên đường, tăng độ khó của các đề thi.
Liên quan đến nghiện ma túy và tài xế hiện nay, ông Thể thừa nhận có trách nhiệm của Bộ GTVT.