Quốc hội quyết định giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em

Thứ hai, 10 Tháng 6 2019 13:41 (GMT+7)
Với 92% tổng số Đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội thống nhất thông qua chương trình giám sát tối cao năm 2020 việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Quốc hội quyết định giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Kết quả biểu quyết về chương trình giám sát tối cao năm 2020 của Quốc hội

Sáng nay 10-6, với 446/447 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm trên 92% so với tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thống nhất thông qua chương trình giám sát tối cao năm 2020.

Nội dung cuộc giám sát chuyên đề được chọn là về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đây cũng là chuyên đề duy nhất sẽ tiến hành giám sát tối cao trong năm 2020.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết có đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi giám sát đối với chuyên đề về trẻ em và chọn tên chuyên đề là "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em".

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tình trạng xâm hại trẻ em thời gian vừa qua đang là vấn đề nóng của xã hội, được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Việc lựa chọn nội dung theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bảo đảm tính chuyên sâu, hiệu quả của chuyên đề và phù hợp với thời gian, nguồn lực của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Luật Trẻ em mới được ban hành tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực kể từ tháng 6-2017, nên các chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em đang tiếp tục được triển khai thực hiện.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục giao các cơ quan tăng cường giám sát, trường hợp cần thiết sẽ tổ chức các phiên giải trình để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Trẻ em. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự kiến" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Theo quy định, Quốc hội sẽ thành lập đoàn giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em", xác định rõ phạm vi và nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần tham gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020), Quốc hội sẽ xem xét kết quả báo cáo giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em".

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Tính chất của các vụ việc có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học.

Còn theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với gần 1.700 đối tượng, xâm hại 1.579 trẻ, trong đó có 1.293 em bị xâm hại tình dục.

Có một số ý kiến đề nghị bổ sung giám sát nội dung về: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành y tế; việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động báo chí; việc quản lý, sử dụng, chuyển đổi sở hữu công sản của nhà nước; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả của các cơ quan dân cử; vấn đề tăng giá điện; tình hình thực hiện Luật Giao dịch điện tử.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các vấn đề nêu trên đều là những nội dung được quan tâm và cũng đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp trong số 183 đề xuất giám sát từ 77 cơ quan.

Đa số đại biểu Quốc hội đã thống nhất chọn chuyên đề giám sát như trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nội dung cần giám sát mà đại biểu Quốc hội đề xuất sẽ được các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu tổ chức giám sát hoặc tổ chức các phiên giải trình.

Văn Duẩn - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị