Chiều 12-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) là người đầu tiên có ý kiến thảo luận.
Làm thêm giờ là đi ngược xu thế
Về mở rộng khung làm thêm giờ tối đa lên đến 400 giờ/năm thay vì 300 giờ/năm như hiện nay, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng quy định này có vẻ như quan tâm đến lợi ích của người lao động (NLĐ) và cũng đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động (NSDLĐ) khi cần đáp ứng những đơn hàng hay lúc cần thiết, cấp bách trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, nhìn vào bản chất vấn đề thì tăng giờ làm thêm đi ngược xu thế tiến bộ của xã hội. Bà Quyết Tâm bày tỏ băn khoăn: "Thử tính trong một năm NLĐ làm thêm đến 400 giờ thì họ còn có bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi, để có thể phục vụ cho nhu cầu khác như học tập, giải trí, chăm lo cho gia đình, con cái…? Có những công nhân cả chục năm không về quê, con cái sinh ra không chăm sóc được mà phải gửi về quê cho bố mẹ thì thử hỏi còn chuyện gì xót xa hơn?".
Trên cơ sở đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm kiến nghị QH nên bàn theo hướng đưa chính sách vào bộ luật, cải thiện thu nhập cho NLĐ mà NLĐ vẫn có thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc con cái. Với NSDLĐ, nếu cần thiết thỏa thuận giờ làm thêm thì phải trả tiền lương theo cách tính lũy tiến để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Còn theo ĐB Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, làm thêm giờ là nhu cầu có thực của cả NSDLĐ và NLĐ, nhất là đối với các doanh nghiệp thâm dụng lao động như may mặc, giày da... ĐB Bích Hạnh đề xuất phải giảm thời gian làm việc chính thức của NLĐ ở khu vực doanh nghiệp từ 48 giờ/tuần như hiện nay xuống 44 giờ/tuần. Ngoài ra, phải tăng tiền lương theo lũy tiến khi làm thêm giờ. "Dự thảo luật quy định "tiền lương làm thêm giờ cao hơn quy định pháp luật do hai bên thỏa thuận" là không khả thi, nhất là đối với lao động phổ thông khi tiền lương của họ thấp, cần việc làm và tăng thu nhập" - ĐB Hạnh lưu ý.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, khẳng định hầu hết lao động làm thêm giờ là lao động phổ thông, khả năng cũng như kỹ năng tự thỏa thuận về việc tính lương lũy tiến rất khó và không dễ gì thương lượng được mức lương lũy tiến như mong muốn. Do vậy, bà Ý đề nghị lương làm thêm giờ theo lũy tiến cần quy định cụ thể luôn trong luật, chứ không để hai bên thỏa thuận.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng đa phần công nhân, lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: QUANG VINH
Tăng tuổi hưu, thêm gánh nặng
Đối với các phương án tăng tuổi nghỉ hưu đang còn nhiều ý kiến khác nhau, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị việc tăng tuổi hưu cần cân nhắc để không đánh mất cơ hội cho tuổi trẻ. Nên chăng, tuổi nữ tăng đến 58, nam lên 62 là đủ và đây cũng là nguyện vọng của số đông cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ bình thường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên hành lang QH chiều 12-6 về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, bày tỏ không đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo luật đã trình.
ĐB Thúy cho biết trong quá trình tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của công nhân, lao động tại TP HCM, hầu hết ý kiến từ nhóm công nhân trực tiếp sản xuất đều không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu và không đồng tình với giải trình của Chính phủ về lý do tăng tuổi hưu của NLĐ để tránh tình trạng thiếu hụt lao động do quá trình già hóa dân số trong vòng 20 năm tới.
Chủ tịch LĐLĐ TP HCM cho rằng tại Việt Nam, số lượng lao động là công nhân rất lớn, chủ yếu tham gia vào giai đoạn gia công trong chuỗi cung ứng hàng hóa, cụ thể là trong lĩnh vực may mặc, da giày, thủy sản, khai thác khoáng sản… Những lĩnh vực này đa phần cần lao động trẻ, có sức khỏe và kỹ năng làm việc. "Trong trường hợp tăng tuổi hưu, liệu họ có bảo đảm sức khỏe để tiếp tục thực hiện công việc theo nhu cầu của NSDLĐ? Trường hợp không còn đủ sức khỏe, vô tình họ trở thành gánh nặng và có thể gây ra những thiệt hại nhất định cho NSDLĐ" - ĐB Thúy nói.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết thời gian qua, Tổng LĐLĐ đến rất nhiều địa phương như TP HCM, Bắc Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Quảng Ninh… để tìm hiểu và qua những cuộc gặp gỡ, đa phần công nhân, lao động không đồng tình các phương án tăng tuổi nghỉ hưu như trong dự thảo.
"Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề xuất phương án kèm theo các điều kiện. Trong quá trình xây dựng luật cần phải quan tâm tới việc NLĐ là bên thế yếu trong quan hệ lao động. Chỉ có giải quyết được vấn đề này và thấu hiểu vấn đề này thì luật mới khả thi và nhận được sự đồng thuận của NLĐ" - ĐB Ngọ Duy Hiểu nói.
Đề xuất thu "phí chia tay" công dân xuất cảnh
Sáng cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam. Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đề xuất bổ sung vào dự thảo luật quy định thu "phí chia tay" với công dân khi xuất cảnh ra nước ngoài với mức từ 3-5 USD. Theo ông Hưng, Nhật Bản đã ban hành đạo luật mỗi công dân Nhật ra nước ngoài phải đóng một loại phí gọi là "phí chia tay" khoảng 1.000 yen/người (khoảng 200.000 đồng). Chính phủ Nhật Bản dự kiến mỗi năm thu về khoảng 400 triệu USD từ khoản này.
"Việt Nam nên làm giống một số nước, đặt ra khoản thu này khi công dân ra nước ngoài. Số tiền đó trích một phần cho các cơ quan ngoại giao có kinh phí bảo hộ công dân, hỗ trợ công dân Việt Nam khi ra nước ngoài; một phần để cơ quan xuất nhập cảnh đầu tư nâng cấp máy móc và những việc khác để bảo đảm việc xuất nhập cảnh cho công dân được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn, hoàn thiện hơn" - ông Hưng đề xuất.
Rút đề xuất nghỉ ngày 27-7
Tại phiên thảo luận, hầu hết ĐBQH đều không đồng ý bổ sung thêm ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7).
Phát biểu tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết ngày 27-7 là ngày nghỉ trong dự thảo đề cập, nêu rõ vấn đề ý nghĩa, tính nhân văn. "Nhưng qua ý kiến ĐB phát biểu hôm nay, Chính phủ tiếp thu, lắng nghe và Chính phủ xin QH chính thức rút nội dung này ra khỏi dự thảo" - ông Đào Ngọc Dung nói.