Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Putin. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh triển khai các thoả thuận hai bên đã cam kết trong các chuyến thăm chính thức cấp cao giữa hai nước, nhất là chuyến thăm Liên bang Nga tháng 6/2019, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhất là trên lĩnh vực năng lượng, dầu khí, công nghệ cao.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đánh giá cao quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh thời gian qua; khẳng định cam kết của chính phủ Australia đưa quan hệ đối tác chiến lược hai nước lên tầm cao mới trên nhiều lĩnh vực; đồng thời ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với ASEAN (cơ chế ASEAN + 1).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Scott Morrison nhất trí với đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc hai bên phối hợp chặt chẽ trong triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP) cũng như thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hai nhà lãnh đạo chia sẻ các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có việc củng cố hoà bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Scott Morrison sớm thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cao hai bên đã có nhiều hoạt động trao đổi hiệu quả về các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất hơn trong thời gian tới.
Trong cuộc trao đổi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, hai bên nhất trí thúc đẩy các biện pháp tăng cường quan hệ song phương và phối hợp trên các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hoá trên trên bán đảo Triều Tiên.
Chủ tịch WB David Malpass đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng cơ sở của Việt Nam, khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam không chỉ trong các dự án đầu tư cụ thể mà còn hỗ trợ tư vấn chính sách phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch ADB Takehiko Nakao. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, dự kiến năm nay có thể đạt mức khoảng 7%; đồng thời coi Việt Nam là điển hình tốt trong phát triển bền vững, quản lý kinh tế vĩ mô, nhất là quản lý, giảm nợ công; khẳng định ADB mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là cho vay trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển xã hội, cải cách cơ cấu...
Chủ tịch ADB đề nghị hai bên sớm ký kết các thỏa thuận cho vay trong lĩnh vực chăm sóc y tế, phát triển nguồn nhân lực trị giá 255 triệu USD, đồng thời, trong tài khóa 2019, dự kiến cho Việt Nam vay 315 triệu USD để triển khai các dự án về nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện môi trường đô thị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres chúc mừng Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2012, cho rằng Việt Nam sẽ là nhân tố quan trọng, đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an LHQ. Tổng thư ký LHQ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới, trong đó có việc tiếp tục cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nam Sudan; khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt các vai trò tại LHQ.
Hai bên trao đổi về các vấn đề an ninh, phát triển ở khu vực và trên thế giới và các biện pháp tăng cường hợp tác giữa LHQ và ASEAN trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng mời Tổng thư ký LHQ thăm Việt Nam và dự các hoạt động liên quan của ASEAN trong năm 2020 và Tổng thư ký LHQ vui vẻ nhận lời.