Sẵn sàng cho giai đoạn đổi mới mạnh mẽ hơn

Thứ sáu, 27 Tháng 9 2019 15:58 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng, ‘đổi mới I’ đã đưa đến những thành công to lớn trong hơn 30 năm qua nhưng các động lực cho nền kinh tế đã bị giới hạn và chúng ta cần có ‘đổi mới II’.

Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách.

Chúng ta đang đi qua những tháng cuối cùng của năm 2019 với khả năng hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội cả năm. Nhìn xa hơn, dự báo chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020, với một trong những dấu ấn nổi bật là nền kinh tế liên tục tăng trưởng, ổn định, góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua gần 35 năm đổi mới.

Tuy nhiên, như nhiều ý kiến đã chỉ ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn có những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao.

Trong bối cảnh đó, công tác chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng đang được tiến hành. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội XIII của Đảng, cho biết, Tiểu ban đã trao đổi nhiều, suy nghĩ rất nhiều trên các mặt xây dựng dự thảo văn kiện, trong việc đặt ra mục tiêu chiến lược, quan điểm phát triển, đột phá chiến lược và định hướng, giải pháp trọng tâm 5 năm, 10 năm tới, với tầm nhìn đến năm 2030, năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và xa hơn, đến năm 2045, vào dịp kỷ niệm 100 thành lập nước.

Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động, khó lường với nhiều dự báo đầy lo âu về căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, suy thoái kinh tế, thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu nặng nề... Tình hình thế giới được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường với cả những thời cơ chưa từng có nhưng cũng đi kèm nhiều khó khăn, thách thức.

Mới đây, tại diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam, các diễn giả, các chuyên gia đều đồng thuận cho rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội sau hơn 30 năm Đổi mới.  Tuy nhiên, các ý kiến cũng đồng thuận rằng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ sự thay đổi nhanh chóng của thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi từng ngày, từ sự giảm tốc của kinh tế thế giới, những tác động của biến đổi khí hậu và cả xu thế phi toàn cầu hóa đang lan rộng…

Phải khẳng định rằng, trong quá trình hoạch định đường lối phát triển đất nước thời gian tới, sẽ có hàng loạt vấn đề phải xử lý, hàng loạt câu hỏi cần trả lời, hàng loạt mối quan hệ cần giải quyết. Sẽ có những ý kiến rất đa dạng về đánh giá, nhận định tình hình, về xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, định hướng, giải pháp chủ yếu trên các lĩnh vực… Chẳng hạn, về một chỉ tiêu rất quan trọng là tăng trưởng GDP, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 6-7%/năm nhưng cần chú trọng hơn các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, đời sống của người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, khoảng 7-8 %/năm.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kinh nghiệm các nước đi trước cho thấy, chỉ có tăng trưởng cao như vậy, chúng ta mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, mới góp phần tạo nền tảng ổn định vĩ mô, có thêm nhiều nguồn lực, có "chiếc bánh" lớn hơn để phân phối lại cho các mục tiêu phát triển văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Và chỉ có như vậy chúng ta mới có nhiều việc làm, có thu nhập cho người lao động để nâng cao hơn nữa đời sống người dân. Đây cũng là quan điểm được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đồng tình, bởi các nước và vùng lãnh thổ đã vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để tạo nên câu chuyện “thần kỳ Đông Á” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan (Trung Quốc) đều cần tăng trưởng cao liên tục trong một thời gian dài.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới những ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng, ‘đổi mới I’ đã đưa đến những thành công to lớn trong hơn 30 năm qua nhưng các động lực cho nền kinh tế đã bị giới hạn và chúng ta cần có ‘đổi mới II’ với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới.

Trên thực tế, trong suốt nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra hàng loạt chủ trương, giải pháp, nhiệm vụ để đẩy mạnh cải cách thể chế trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta có lợi thế rất lớn về ổn định chính trị-xã hội. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, thuận lợi, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

“Nếu chúng ta không làm thực sự quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ này thì chúng ta thua ngay trên sân nhà, thua ngay các đối tác truyền thống đang cải cách rất mạnh mẽ xung quanh ta, chưa nói đến việc thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại”, Thủ tướng nêu rõ.

Tại các phiên họp của Tiểu ban, Thủ tướng cũng nhấn mạnh mọi nhận định và đánh giá phải theo tư duy mới và từ thực tiễn của đất nước, phải tiếp tục đột phá nhưng không phiêu lưu mà trên nền tảng cơ sở khoa học.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế -  Xã hội cũng chia sẻ, một nhận định quan trọng của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước là so với thông lệ quốc tế và yêu cầu của sự phát triển, các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam về thực chất còn nhiều khiếm khuyết, dẫn đến kìm hãm sự phát triển.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh mới, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách.

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, cần “kiên định mục tiêu lý tưởng có nguyên tắc, đồng thời phải hết sức sáng tạo, bám sát thực tiễn để đổi mới kịp thời.” Các ý kiến trong và ngoài nước đều đồng thuận, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cấp thể chế kinh tế lên một tầm cao mới thì mới có thể cạnh tranh, thu hút được các nguồn lực từ công nghệ, trình độ quản trị hiện đại đến vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao với quy mô đủ lớn để phát triển vượt lên, thu hẹp khoảng cách, bắt kịp những bước đi trước trong khu vực và trên thế giới.

Hà Chính - (baochinhphu.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị