Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, với nhiều các giải pháp khác nhau ngay từ những tháng đầu của năm, như việc giao kế hoạch vốn rất sớm, trước ngày 31/12 đã giao được 91,26%, còn lại hơn 33.000 tỷ đồng và tương ứng với hơn 8% không đủ điều kiện và thủ tục theo luật quy định nên không thể giao được.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã liên tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành thủ tục. Thủ tục đầy đủ đến đâu thì giao đến đó. Đến nay, đã giao thêm được hơn 5.000 tỷ đồng, vẫn còn 27.000 tỷ chưa giao được.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019, trong đó có tập trung phân tích, đánh giá và làm rõ nguyên nhân một số quy định của một số văn bản pháp luật về đầu tư công, như công tác chuẩn bị đầu tư, công tác chuẩn bị dự án còn bất cập. Thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch còn phức tạp, nhiều việc phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên, môi trường nên chồng chéo và vướng mắc.
Về cơ bản những vấn đề liên quan đến các vướng mắc của Luật Đầu tư công đã được giải quyết, xử lý ở Luật Đầu tư công (sửa đổi) và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020. Những vấn đề đang còn các vướng mắc giữa nhiều luật đã được Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao cho các cơ quan tiếp tục rà soát trong thời gian tới để phát hiện những điểm cần phải chỉnh sửa, cần phải thống nhất lại trong hệ thống.
Với những vướng mắc về phân cấp hay trình tự, thủ tục dự án điều chỉnh kế hoạch cơ bản được giải quyết.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng xác định khâu tổ chức thực hiện vẫn là nguyên nhân chủ yếu. Cụ thể là công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế. Việc giao kế hoạch chậm cả ở Trung ương và ở các cấp bộ, ngành, địa phương, tức là giao chi tiết cũng rất chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ dự án. Công tác tổ chức thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, tư vấn giám sát nhà thầu,… còn nhiều hạn chế và cơ bản là thiếu động lực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Để giải quyết vấn đề này Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 94 vừa qua với một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ về phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019 và tập trung vào năm 5 nhóm giải pháp chính báo cáo với Quốc hội.
Thứ nhất, tiếp tục rà soát các quy định còn vướng mắc để kịp thời điều chỉnh.
Thứ hai, khẩn trương giao chi tiết và điều chỉnh các kế hoạch vốn trong đó kiên quyết điều chỉnh vốn từ các dự án dàn trải, giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân cao hơn.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo triển khai công tác giải ngân ở các cấp, các ngành.
Thứ tư, đổi mới công tác theo dõi, đánh giá kế hoạch đầu tư công.
Thứ năm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là vai trò của người đứng đầu.
“Thông tin các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Chính phủ đề nghị với các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường tổ chức giám sát chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công ngay tại địa phương mình vừa để nâng cao hiệu quả giám sát ngay tại cơ sở, vừa giúp chính quyền địa phương thấy rõ được những nguyên nhân và gợi ý đưa ra những giải pháp hết sức hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Về kế hoạch đầu tư công năm 2020, sau khi Quốc hội thông qua, chúng tôi sẽ tổ chức rà soát và giao sớm ngay tất cả các vốn của năm 2020 cũng như Chính phủ đã xác định ưu tiên sử dụng vượt thu cũng như tiết kiệm chi để bù đắp cho khoản thiếu hụt của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020”./.