Đại diện lực lượng biên phòng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Các Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thoả thuận GCM) do Bộ Ngoại giao tổ chức trong các ngày 20/8 tại Hà Nội, 27/9 tại Đà Lạt, và 11/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thỏa thuận GCM ra đời trên cơ sở Tuyên bố New York về người tị nạn và di cư vào tháng 9/2016 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Một trong những mục tiêu quan trọng của Thỏa thuận GCM là đấu tranh và xóa bỏ nạn mua bán người trong di cư quốc tế.
Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận GCM vào tháng 12/2018 và đang tích cực xây dựng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận phù hợp với luật pháp và điều kiện của Việt Nam. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang trong quá trình lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan, và địa phương đối với dự thảo Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM.
Mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), trên thế giới ước tính có 40,3 triệu người là nạn nhân của mua bán người. Còn theo số liệu của UNICEF, có 5,5 triệu trẻ em bị mua bán. Tổ chức Y tế Thế giới công bố mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm mua bán người.
Tại Việt Nam, theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), từ năm 2016 đến tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện xảy ra gần 1.100 vụ, với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân; 9 tháng đầu năm phát hiện 148 vụ với 238 nạn nhân.
Tội phạm mua bán người tiếp tục sử dụng các phương thức như không tiếp cận nạn nhân trực tiếp mà thông qua các trang mạng xã hội; không trực tiếp đi cùng mà hướng dẫn nạn nhân di chuyển đến khu vực biên giới, xuất cảnh trái phép, sau đó lừa bán vào động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp; tìm đến phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn rồi dụ dỗ đưa ra nước ngoài, nhất là Trung Quốc, sinh con sau đó bán trẻ sơ sinh cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, còn tiềm ẩn nguy cơ mua bán người thông qua di cư trái phép, di cư lao động hoặc di cư kết hôn.
Trong các phiên thảo luận về nạn mua bán người trong di cư quốc tế và công tác phòng, chống mua bán người của Việt Nam, đại diện các địa phương cho biết đã nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ nêu tại Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện mục tiêu chung là “giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Đại diện tỉnh Tây Ninh cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm (138/CP) của tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch, đề án phòng, chống mua bán người theo định hướng chung của Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020. Các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ trong việc nắm tình hình, điều tra tội phạm mua bán người, nhất là tại khu vực biên giới, thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông phòng ngừa nâng cao nhận thức của người dân cũng như tích cực hợp tác quốc tế.
Tuy vậy, tình hình tội phạm mua bán người tại Tây Ninh vẫn tiềm ẩn phức tạp do các đối tượng tội phạm với các thủ đoạn tinh vi đã lợi dụng sự nhẹ dạ, mất cảnh giác, hoàn cảnh khó khăn của người dân để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài, chủ yếu sang Campuchia. Theo thống kê của tỉnh, trong giai đoạn từ 2016-2018 có 91 nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài; nạn nhân được phát hiện và giải cứu có cả người nước ngoài.
Đáng chú ý, gần đây phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi. Theo đại diện TP. Hồ Chí Minh, các địa điểm tập trung đông người di cư đến như bến xe hay nhà ga… đều có thể sẽ bị tội phạm mua bán người lợi dụng để tìm kiếm và lừa bán nạn nhân ra nước ngoài.
Thời gian qua, lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện một số đường dây mua bán người, mua bán nội tạng thu lợi hàng chục tỷ đồng, tiêu biểu là vụ việc của Tôn Nữ Thị Huyền, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và cầm đầu đường dây mua bán thận hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Một số đại biểu các tỉnh như Nghệ An, Gia Lai lo ngại trước nguy cơ mua bán người trong các hoạt động liên quan đến di cư lao động, di cư trái phép, di cư kết hôn. Với phương thức, thủ đoạn tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi như trên, rất có khả năng các đối tượng mua bán người sẽ lôi kéo, dụ dỗ những người có giấc mơ nhanh chóng đổi đời để lừa bán ra nước ngoài.
Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức
Trong bối cảnh công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài ngày càng tăng, để hạn chế nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về di cư hợp pháp, an toàn, phòng, chống tội phạm mua bán người. Việc tuyên truyền cần được thực hiện có trọng điểm, chiều sâu và rộng rãi tới cấp cơ sở, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cả người dân và chính quyền các cấp. Thông qua các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh và đổi mới, sức mạnh tập thể sẽ được phát huy tối đa nhằm đấu tranh, ngặn chặn nạn mua bán người - một trong bốn loại hình tội phạm nguy hiểm nhất thế giới theo nhận định của Liên Hợp Quốc.
Tuyên truyền cũng là một nội dung quan trọng của mục tiêu số 10 “Ngăn chặn, đấu tranh và xóa bỏ nạn mua bán người trong di cư quốc tế” trong Thỏa thuận GCM. Theo đó, các quốc gia cần đầu tư cho các chiến dịch tuyên truyền với sự tham gia của các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức của người di cư và những người di cư tiềm năng về các rủi ro khi di cư ra nước ngoài và hiểm họa của nạn mua bán người. Điều này là vô cùng cần thiết để người dân có lựa chọn và quyết định đúng đắn khi di cư ra nước ngoài thông qua các kênh di cư hợp pháp, tránh bị dụ dỗ đưa ra nước ngoài trái phép và không gặp phải rủi ro trong quá trình di cư như bị ép buộc lao động, bị bóc lột, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như một số vụ việc di cư trái phép diễn ra thời gian gần đây (như vụ việc 39 người di cư bị phát hiện tử vong trong một chiếc xe container ở Essex, Anh ngày 23/10 vừa qua).
Với kết quả thảo luận thống nhất tại các Hội nghị phổ biến Thỏa thuận GCM, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai Thỏa thuận để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định triển khai trên toàn quốc. Dự thảo Kế hoạch sẽ bao gồm các nhiệm vụ và giải pháp quyết liệt có sự tham gia của các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý di cư quốc tế, tạo môi trường di cư minh bạch, tôn trọng nhân phẩm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người di cư.