Quan tâm đào tạo CBCC
Theo ông Lư Thanh Hiền, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Cờ Đỏ, việc xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã được huyện chú trọng quan tâm bởi đây là lực lượng trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại cơ sở. Bên cạnh đó, để xây dựng nền hành chính hiện đại, đòi hỏi CBCC phải vững về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ lẫn kỹ năng mềm, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Vì vậy, những năm qua, huyện đã cử nhiều CBCC đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn và các khóa bồi dưỡng về quản lý nhà nước. Trong năm 2019, huyện đã cử 135 CBCC tham gia các khóa bồi dưỡng Quản lý nhà nước (ngạch chuyên viên chính có 12 trường hợp và ngạch chuyên viên có 123 trường hợp); trong đó, có 1 lớp bồi dưỡng Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên mở tại địa phương cho 80 học viên.
Ngoài ra, trong năm huyện còn mở 2 lớp tập huấn: bồi dưỡng 158 trưởng ấp, phó trưởng ấp; bồi dưỡng công tác văn thư - lưu trữ cho 162 học viên.
Nhờ được quan tâm cử đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, anh Nguyễn Hoàng Nhiệm (đứng) có thêm kiến thức, kỹ năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong ảnh: Anh Nguyễn Hoàng Nhiệm đang bàn bạc công việc với công chức bộ phận một cửa.
Nhìn chung CBCC đã vận dụng tốt kiến thức vào thực tế tại cơ quan, đơn vị, từ đó mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng CBCC hằng năm đều được nâng lên, chứng minh được hiệu quả sau đào tạo. Anh Nguyễn Trọng Thủy, Chủ tịch UBND xã Đông Thắng đang học lớp bồi dưỡng Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên do huyện Cờ Đỏ phối hợp với Trường Chính trị TP Cần Thơ tổ chức tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện.
Trước đó, anh được huyện cử học Đại học Hành chính do Học viện Hành chính Quốc gia mở tại Cần Thơ (tốt nghiệp năm 2011); năm 2018, anh tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị. Trước năm 2009, anh Thủy là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Đông Hiệp (cũ), sau khi xã Đông Thắng thành lập (trên cơ sở chia tách từ xã Đông Hiệp năm 2009), anh đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch xã, rồi Chủ tịch xã từ năm 2015 đến nay. Nhờ được huyện quan tâm cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ lẫn lý luận chính trị, anh được trang bị những kiến thức bổ ích cùng kỹ năng quản lý điều hành, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đến nay, đội ngũ CBCC cấp xã ở huyện Cờ Đỏ đều đã đạt chuẩn. Cụ thể, huyện có 208 CBCC cấp xã; trong đó, có 3 thạc sĩ, 171 đại học, 4 cao đẳng và 22 trung cấp. UBND huyện Cờ Đỏ đang phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức 2 lớp đào tạo cử nhân ngôn ngữ Anh cho hơn 70 CBCC, viên chức, trong đó có khá nhiều CBCC cấp xã theo học nhằm rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.
Sắp xếp và bố trí CBCC phù hợp
Theo Phòng Nội vụ huyện Cờ Đỏ, viêc đào tạo, bồi dưỡng của huyện được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch và gắn với sử dụng CBCC cấp xã. Qua đó, tránh lãng phí trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng nguồn nhân lực, sẽ tạo động lực khuyến khích CBCC cấp xã nhiệt tình, hăng say học tập. Bên cạnh đó, sau khi đào tạo, đa số CBCC đều được bố trí công việc phù hợp với chuyên môn, trong đó có nhiều CBCC được đề bạt vào những chức vụ chủ chốt.
Điển hình như anh Nguyễn Hoàng Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hưng. Năm 2015, anh Nhiệm được UBND huyện cử đi học đại học chuyên ngành Phát triển nông thôn (do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với UBND huyện tổ chức). Hiện anh đã hoàn thành chương trình học tập và đang làm tiểu luận tốt nghiệp. Anh Nhiệm chia sẻ, gần 5 năm qua, do là cán bộ Đoàn nên chủ yếu anh phụ trách mảng phong trào và vận động quần chúng, vì vậy kiến thức về quản lý nhà nước còn hạn chế.
Từ khi được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về Quản lý nhà nước, đặc biệt là đại học chuyên ngành Phát triển nông thôn, anh có cơ hội nâng cao kiến thức về lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Nhờ vậy, khi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã (phụ trách kinh tế), anh tự tin hơn. Anh Nhiệm tâm sự: “Là xã ngoại thành, đa số bà con đều sống bằng nghề nông nên tôi rất vui được mang kiến thức đã học để chia sẻ, hỗ trợ bà con trong phát triển kinh tế gia đình. Khi đời sống được nâng lên, bà con có điều kiện tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Theo anh Nhiệm, ngoài kiến thức được học ở trường, bản thân cũng cần rèn luyện kỹ năng thực tế, vì vậy anh dành thời gian hợp lý để tìm hiểu các mô hình kinh tế của nông dân; tham gia các buổi họp dân để triển khai các kế hoạch xây dựng hạ tầng giao thông. Qua đó, giúp anh hoàn thiện kỹ năng và tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Theo ông Lư Thanh Hiền, Trưởng Phòng Nội vụ huyện, để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCC, Phòng Nội vụ huyện rà soát, sắp xếp, bố trí CBCC cấp xã theo quy định. Đối với xã loại 1 có 23 CBCC và xã loại 2 có 21 CBCC. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã giải quyết chế độ chính sách cho thôi việc đối với 86 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ấp, khu vực (trong đó, cấp xã có 19 người; ở ấp có 67 người).
Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá CBCC, huyện đang đề nghị Sở Nội vụ TP Cần Thơ tinh giản biên chế đối với 8 công chức cấp xã theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó, sắp xếp, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả công việc của đội ngũ CBCC cấp xã.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)