Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ đã đưa vào sử dụng phần mềm một cửa điện tử liên thông vào đầu năm 2019, qua đó tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức, công dân thực hiện TTHC.
Công khai và minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những yêu cầu của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC tại các cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, việc niêm yết công khai các TTHC lẫn minh bạch các bước giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân là yếu tố then chốt nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân. Trong đó, việc xây dựng Chính phủ điện tử được xem là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời, tăng cường vai trò giám sát của người dân đối với hiệu quả làm việc của đội ngũ công chức thực thi công vụ.
Tại Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) vào trung tuần tháng 12-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc phát triển Chính phủ điện tử nói chung và cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng tại Việt Nam đã có những tiến bộ. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc đánh giá năm 2018 Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia; trong đó, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến là chỉ số được đánh giá cao nhất, đạt 0,74/1. Đến hết quý III năm 2019, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp tại các Bộ, cơ quan Trung ương là 1.720 dịch vụ, tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến là 47,7%; tại các địa phương là 46.660 dịch vụ, tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến là 17,3%.
Tuy nhiên, số lượng dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến còn ít; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Người dân vẫn còn phàn nàn, kêu ca, doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Vì vậy, Thủ tướng cho rằng cổng dịch vụ công các cấp và Cổng DVCQG phải là kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền trên môi trường điện tử. “Cái gì công khai, minh bạch giữa người xử lý, giải quyết dịch vụ công với người được cung cấp dịch vụ thông qua mạng điện tử thì chúng ta làm không những nhanh hơn, mà còn chống được cửa quyền, hách dịch, nhất là ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Cổng DVCQG là kênh đo lường, kiểm soát hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua những thông tin được lượng hóa cụ thể trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, bên cạnh cơ sở dữ liệu về TTHC, Cổng DVCQG còn xây dựng hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân có thể ngồi ở nhà giải quyết TTHC, đồng thời có thể theo dõi, giám sát tiến độ giải quyết TTHC. Mặc dù Cổng DVCQG đã xây dựng, kết nối với cổng dịch vụ công của các ngành, các cấp, các dịch vụ công trực tuyến nhưng việc xử lý và trả kết quả vẫn phải do các Bộ, ngành, địa phương thực hiện theo thẩm quyền. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tuyệt đối không để tâm lý, tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng DVCQG rồi thì lơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của mình; ngược lại, cần đẩy mạnh hơn nữa.
Bên cạnh đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và 4, các đơn vị, địa phương cũng có nhiều giải pháp nhằm công khai, minh bạch TTHC. Tại TP Cần Thơ, các đơn vị, địa phương chú trọng công khai các TTHC, các dự án, quy hoạch; đổi mới quy trình, thủ tục giao dịch trong giải quyết công việc với công dân và doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động rà soát, cập nhật thống kê các TTHC mới ban hành, TTHC sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ và niêm yết công khai. Song song đó, nhiều địa phương còn tăng cường đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, công dân để phổ biến các TTHC, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của người dân khi thực hiện các TTHC, từ đó kịp thời tháo gỡ. Có thể thấy, việc công khai, minh bạch TTHC đã từng bước nâng cao sự hài lòng, tạo được niềm tin của các tổ chức, công dân đối với bộ máy hành chính nhà nước.
Bài, ảnh: Q. THÁI - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)