Bế mạc phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ bảy, 11 Tháng 1 2020 08:15 (GMT+7)
Sáng 10-1, tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 41, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Bế mạc phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên họp thứ 41. Ảnh: Hoàng Quỳnh
 
Thảo luận về một số vấn đề liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, các Ủy viên Ủy ban TVQH cơ bản tán thành với các báo cáo của Ủy ban Tư pháp của QH. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, công tác giám định âm thanh, hình ảnh hiện là nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Trên thực tế, đề xuất bổ sung chức năng giám định cho Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao chỉ là giao thêm nhiệm vụ, không làm tăng biên chế. Ðồng tình với ý kiến nêu trên, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, Chính phủ thực hiện theo nguyên tắc đa số, nhất trí với phương án bổ sung chức năng cho Viện KSND tối cao như trong dự án luật. Việc bổ sung thêm chức năng góp phần giúp Viện KSND tối cao có thêm tiếng nói trong công tác giám định tư pháp. Do Bộ Công an nhiều lần thể hiện quan điểm không đồng tình với đề xuất của Viện KSND tối cao, vì thế Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ, Viện KSND tối cao đưa ra đánh giá tác động, báo cáo giải trình cụ thể; đồng thời đề nghị Chính phủ cho ý kiến chính thức chung quanh vấn đề này.
 
Liên quan thời hạn giám định, nhiều ý kiến tán thành với quy định từ ba đến bốn tháng như trong dự án luật. Ðối với những vụ việc phức tạp, có thể gia hạn nhưng không được quá một phần hai thời hạn đã quy định. Mặc dù vậy, có ý kiến bày tỏ băn khoăn về khoản 2 Ðiều 11 dự án luật, cụ thể quy định về thời hạn giám định viên tư pháp phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định trong trường hợp bị từ chối giám định. Theo đó, với thời hạn năm ngày làm việc, tính thêm hai ngày cuối tuần thì phải sau bảy ngày, người trưng cầu, yêu cầu giám định mới nhận được thông báo từ chối giám định. Ðối với các vụ việc mang tính đặc thù, cấp bách như xâm hại trẻ em, thời gian bảy ngày là quá dài, dễ làm ảnh hưởng công tác thu thập chứng cứ và quyết định tự trưng cầu giám định. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cân nhắc thêm.
 
Cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đa số Ủy viên Ủy ban TVQH tán thành mở rộng phạm vi hoạt động của hòa giải viên. Cụ thể, ngoài hoạt động tại tòa án được phân công nhiệm vụ, hòa giải viên có thể hoạt động tại tòa án khác trong phạm vi địa giới hành chính của tòa án cấp tỉnh. Cũng có ý kiến cho rằng, các bên cần được quyền lựa chọn hòa giải viên theo danh sách mà tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc cung cấp. Như vậy, bảo đảm mối liên hệ giữa hòa giải viên với tòa án nơi được phân công nhiệm vụ. Ðồng thời, đề cao trách nhiệm quản lý của tòa án đối với hòa giải viên, tạo điều kiện để hòa giải viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Liên quan vấn đề nêu trên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi hoạt động của hòa giải viên, bởi hiện nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có kiểm nghiệm, đánh giá tác động cụ thể. Ðồng thời, đề nghị chưa đặt vấn đề thu phí hòa giải, đối thoại, bởi hiện nay chúng ta đang khuyến khích tăng cường hòa giải, đối thoại tại tòa. Ngoài ra, cần đơn giản hóa các thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho các bên và tòa án trong quá trình hòa giải, đối thoại.
 
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Sau khi nghe Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra các đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Ủy ban TVQH biểu quyết thông qua đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 18 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư gồm: Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Cao Bằng, Gia Lai, Hải Phòng, Hậu Giang, Lai Châu, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc và Yên Bái.
 
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp thứ 41 của Ủy ban TVQH, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định, sau hơn một ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban TVQH đã hoàn thành các nội dung chương trình phiên họp thứ 41, cũng là phiên họp đầu tiên triển khai chương trình công tác năm 2020. Ðồng chí Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ, Thường trực các ủy ban của QH, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan nhanh chóng nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ðồng thời, hoàn thiện các dự thảo nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, trừ trường hợp của tỉnh Cao Bằng. Ðối với những tỉnh, thành phố chưa được sắp xếp, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo hoàn thành hồ sơ tài liệu, trình Ủy ban TVQH để xem xét chậm nhất tại phiên họp vào tháng 2 tới.
 
PV - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị