Kiều bào hiến kế để TP HCM bứt phá

Thứ tư, 15 Tháng 1 2020 23:32 (GMT+7)
Nhiều giải pháp cải thiện giao thông, đô thị, phát triển kinh tế... được kiều bào là các nhà khoa học, doanh nhân đến từ Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore... hiến kế để đưa TP HCM phát triển nhanh, bền vững
 
Chiều 13-1, Thành ủy TP HCM đã tổ chức gặp gỡ, tiếp nhận ý kiến của kiều bào góp phần phát triển TP. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi gặp.
Nên phát triển đa trung tâm
 
Là người đầu tiên đóng góp ý kiến, GS-TS Đặng Lương Mô - Việt kiều Nhật Bản, cố vấn ĐHQG TP HCM - đề cập ngay đến vấn đề bức xúc hiện nay của TP là tình trạng kẹt xe. "Giao thông ở TP hiện rất tệ với hàng triệu xe máy chạy vô trật tự, luồn lách, vượt ẩu, còn ôtô thì đậu bừa bãi trên nhiều tuyến đường, trong khi đường sá không được mở rộng bao nhiêu" - GS-TS Đặng Lương Mô nhận xét. Từ đó, ông đề xuất một số giải pháp để giảm kẹt xe cho TP như làm thêm đường; hạn chế xe máy, ôtô lưu thông trong nội thành; chỉnh sửa tỉ lệ xây dựng và giải phóng mặt bằng.
 
Kiều bào hiến kế để TP HCM bứt phá - Ảnh 1.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với kiều bào tại buổi gặp gỡ.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Góp ý cụ thể về giải pháp hạn chế ôtô lưu thông trong nội đô, GS-TS Đặng Lương Mô dẫn kinh nghiệm từ Nhật Bản. Quốc gia này quy định bắt buộc mọi chủ sở hữu ôtô phải có bãi đậu xe, tức là muốn mua ôtô phải có giấy chứng nhận có bãi đậu xe do sở cảnh sát địa phương cấp. Các công ty bán ôtô sẽ từ chối giao dịch với những người không có giấy chứng nhận này. Ngoài ra, cảnh sát Nhật rất nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm. Theo ông Đặng Lương Mô, TP nên nghiên cứu cách làm này để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
 
Được mời góp ý, kiến trúc sư (KTS) Phan Tấn Lộc, Việt kiều Pháp, phân tích: "Nguyên nhân chính gây kẹt xe là do ý thức của người dân kém và quy hoạch đô thị chưa hợp lý. Mạng lưới giao thông chưa hợp lý, có nhiều tuyến đường rất dài nhưng lại thiếu các đường nhánh, mà phần lớn là các con hẻm".
 
Theo KTS Lộc, hiện nay TP chỉ có một trung tâm độc nhất. Buổi sáng, mật độ lưu thông về lõi trung tâm quận 1 và quận 3 rất cao nhưng chiều ngược lại thấp hơn nhiều. Do đó, ông Lộc cho rằng giải pháp dài hạn là cần tiến tới tổ chức lại TP theo hướng đa trung tâm bằng cách xây dựng hoặc quy hoạch thêm những khu trung tâm khác phù hợp hơn với địa giới hành chính của TP. Còn giải pháp ngắn hạn là mở thêm đường bằng cách lấy những con hẻm đầu tư thành những tuyến đường đúng nghĩa.
 
Xây nhà cao tầng phải đi đôi với giao thông
 
Trong khi đó, bằng trí tuệ, tâm huyết của mình, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn đóng góp thêm nhiều giải pháp cho công tác quản lý đô thị ở TP. Theo ông, các dự án nhà cao tầng ở TP mọc lên ngày càng nhiều nhưng chưa kết nối đồng bộ với giao thông công cộng. Chẳng hạn, TP đang xây dựng tuyến metro số 1 quy hoạch các trạm Ba Son, Văn Thánh… trong lúc đã hình thành các dự án nhà cao tầng, dẫn đến thiếu kết nối đồng bộ với các trạm trên. Điều này khác với cách làm của nhiều nước là cách vị trí trạm khoảng 400 m với 5 phút đi bộ phải tổ chức bãi xe, nhà cao tầng, dịch vụ công cộng. 
 
Do vậy, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, xã hội cần được xây dựng sớm một bước trước khi cấp phép xây dựng nhà cao tầng. Ngoài ra, ông Sơn đề xuất TP cần đánh giá tác động đến môi trường xung quanh của các dự án cao ốc trước khi cấp phép để hạn chế tư duy vì lợi nhuận của nhà đầu tư mà thiếu nghiên cứu tác động xấu của các dự án này đến môi trường sống và cơ hội phát triển chung của khu vực.
Việc xây dựng TP thông minh là chủ trương lớn, đúng đắn của TP HCM. GS-TS Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, cho rằng để phát triển TP thông minh, TP cần có nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc sẵn sàng làm cầu nối hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng theo nhu cầu phát triển của TP; cầu nối giữa các tập đoàn tài chính, tổ chức tài chính lớn của Hàn Quốc với các tập đoàn, tổ chức tài chính của Việt Nam tại TP.
 
Còn rất nhiều hiến kế tâm huyết khác, như ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam, đề nghị UBND TP nên có chính sách cụ thể trong thu hút doanh nghiệp đầu tư của nước ngoài; tăng cường đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho kiều bào. Trong khi đó, với mong muốn giao lưu và mở rộng kết nối kinh tế hai chiều, ông Tony Chung Nguyễn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Sĩ, nhận làm cầu nối để kết nối chính quyền giữa TP HCM và Geneva (Thụy Sĩ) trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và công nghệ; xây dựng Làng Geneva tại TP HCM và Làng Việt Nam tại Geneva; thành lập Trung tâm Xúc tiến Thương mại TP HCM - Geneva.
 
Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết ông hết sức trân trọng và tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của các kiều bào. "Các góp ý đều rất sát với tình hình, đúng với nhu cầu của TP" - Bí thư Thành ủy khẳng định.
 
Trên cơ sở đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp, nghiên cứu để triển khai thực hiện các đề xuất của kiều bào. Với ý kiến của GS-TS Đặng Lương Mô, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Sở Giao thông Vận tải tiếp thu để từ đó có những giải pháp giảm ùn tắc giao thông phù hợp. Đánh giá cao đề xuất phát triển nhà cao tầng để không xung đột với giao thông của KTS Ngô Viết Nam Sơn, Bí thư Thành ủy gợi ý về việc TP phải xây dựng quy chế quản lý, xây dựng nhà cao tầng nhằm bảo đảm sự đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng, giao thông cùng các điều kiện khác. Quy chế này cần ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ dự án nhà cao tầng trong việc đóng góp kinh phí hoàn thiện đồng bộ hạ tầng ở khu vực đầu tư dự án nhà cao tầng.
 
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh các ý kiến của bà con kiều bào đối với sự phát triển của TP là rất đáng trân trọng. Điều này khẳng định kiều bào dù đi đâu cũng luôn nhớ về nguồn cội, luôn muốn làm gì đó để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Đề cập đến định hướng phát triển trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP đang xây dựng 44 đầu việc. Khi hoàn thành đề cương chi tiết của 44 đầu việc này, TP sẽ tiếp tục mời và mong được kiều bào tiếp tục hiến kế theo từng vấn đề cụ thể. 
 
5,3 tỉ USD kiều hối về TP trong năm 2019
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, năm 2019, lượng kiều hối về TP HCM đạt 5,3 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2018. Trong đó, hơn 72% lượng kiều hối chuyển về đầu tư vào sản xuất - kinh doanh; gần 22% lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản và số còn lại hỗ trợ người thân. Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM cho biết hiện có khoảng 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài dạn, 200 trí thức hợp tác với các bệnh viện, trường ĐH tại TP. Khoảng 3.000 doanh nhân kiều bào đầu tư tại TP với số vốn lên đến 45.000 tỉ đồng. Riêng năm 2019, có 34 doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài mới thành lập với số vốn hơn 122,7 tỉ đồng.
 
Trân trọng con em kiều bào trở về đóng góp cho quê hương
Tối cùng ngày, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức chương trình họp mặt kiều bào mừng Xuân Canh Tý 2020. Hơn 800 kiều bào đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã về dự.
 
Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sự hiện diện của các đại biểu kiều bào là niềm hạnh phúc cho TP. Nhân dịp năm mới, Bí thư Thành ủy chúc các đại biểu hạnh phúc và thành công. Ông cũng gửi lời hỏi thăm và chúc gia đình các đại biểu kiều bào những điều tốt đẹp nhất trong năm mới, khẳng định TP luôn đón nhận, trân trọng con em người Việt Nam ở nước ngoài trở về xây dựng, đóng góp cho TP.
 
Dịp này, UBND TP đã biểu dương và trao tặng bằng khen cho 3 tập thể, 19 cá nhân kiều bào đã có thành tích xuất sắc trong đầu tư, sản xuất - kinh doanh, hợp tác giảng dạy, nghiên cứu đào tạo và tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội tại TP liên tục nhiều năm.
B.Ngọc
PHAN ANH - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị