Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên:
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội vào ngày 27 và 28-2 cùng với các sự kiện Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm hữu nghị chính thức Việt Nam và Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Việt Nam là sự kiện chính trị, đối ngoại có ý nghĩa to lớn, có tầm quan trọng đặc biệt. Lãnh đạo Triều Tiên, Mỹ đều bày tỏ cảm ơn Việt Nam, ấn tượng về công tác tổ chức của Việt Nam. Đây là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam đến cộng đồng quốc tế về sự vươn lên, sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc phát huy hơn nữa vai trò xây dựng, tích cực đóng góp vào công việc chung của khu vực và thế giới, đặc biệt là tinh thần kiến tạo hòa bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội (chụp qua màn hình tại Trung tâm Báo chí quốc tế) - Ảnh: Cao Lực
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp, hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân chuyến thăm tới Việt Nam dự Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, ngày 27-2-2019 tại Hà Nội - Ảnh: Hoàng Triều
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón Tổng thống Donald Trump
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đón Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 1 đến 2-3-2019 - Ảnh: Hoàng Triều
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Kim Jong-un tại chiêu đãi tối 1-3-2019 - Ảnh: KCNA
Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
Ngày 7-6-2019, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu bầu 5 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã trúng cử với số phiếu kỷ lục 192/193 phiếu, cho thấy sự tín nhiệm và tình cảm với Việt Nam của cộng đồng quốc tế.
Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa) nhận lời chúc mừng của đại diện ngoại giao các nước sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy Việt Nam được bầu chọn là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 tại New York, Mỹ ngày 7-6 -Ảnh: TTXVN
Là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, HĐBA có trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, là cơ chế duy nhất của LHQ có thẩm quyền pháp lý để đưa ra các biện pháp cưỡng chế, trong đó có cả biện pháp liên quan đến sử dụng vũ lực. Với việc tham gia HĐBA LHQ, Việt Nam có cơ hội quan trọng để thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, nhà nước là thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa và Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam có 2 tháng làm Chủ tịch Hội đồng vào tháng 1-2020 và tháng 4-2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh G20
Trong 2 ngày 28 và 29-6 tại Nhật Bản đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản. Năm nay, nước chủ nhà Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời đặc biệt. Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của Việt Nam, một đối tác tin cậy, có trách nhiệm đối với hoà bình, an ninh và phát triển trong khu vực
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo dự Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 28-6-2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo dự Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 28-6-2019
Thủ tướng Abe Shinzo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: VGP
Sau khi tham dự G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật Bản và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, ngày 1-7-2019.
Ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU
Ngày 30-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Hai hiệp định này quan trọng như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn EU và Việt Nam , để hai bên tiếp cận thị trường của nhau".
EU nhận định EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do "tham vọng nhất từ trước tới nay" mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam. Trong giai đoạn đầu ngay khi có hiệu lực, EVFTA sẽ xóa 65% thuế nhập khẩu hàng EU xuất sang Việt Nam, trong khi phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, ở thời điểm đầu có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ, và giai đoạn tiến tới xóa phần còn lại là 7 năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tại Hà Nội, ngày 30-6-2019 - Ảnh: TTXVN
Đấu tranh phản đối nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam
Đầu tháng 7, Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống vào hoạt động trái phép hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhiều lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút ngay nhóm tàu khỏi vùng biển của Việt Nam và không tái diễn các hành động tương tự.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu đích danh hành động vi phạm nghiêm trọng này tại cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc vào cuối tháng 7 tại Bangkok, Thái Lan, và tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ngày 28-9 tại New York, Mỹ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Uỷ viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 52 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1-8-2019 - Ảnh: VOV
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 và các Hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1-8-2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp Uỷ viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng với Trung Quốc; về các vấn đề trên biển hiện nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định lập trường nguyên tắc của Việt Nam, nêu rõ hai bên cần nỗ lực duy trì hoà bình, ổn định, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thông qua các biện pháp hoà bình giải quyết thoả đáng tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Uỷ viên Quốc vụ, Bộ trưởng Vương Nghị khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc trân trọng quan hệ với Việt Nam, nỗ lực giữ gìn quan hệ hữu nghị giữa hai nước; nhất trí cùng trao đổi ý kiến, giải quyết thoả đáng những vấn đề phát sinh trong quan hệ.
Chiều 25-10, Bộ Ngoại giao chính thức lên tiếng về việc tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Việt Nam
Ngày 4-11-2019, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 35 và các hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan đã diễn ra lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận " chiếc búa" Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan và công bố chủ đề cùng một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chiếc búa chuyển giao quyền lực Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha - Ảnh: TTXVN
Hoàn tất đưa thi hài nạn nhân vụ 39 người tử vong tại Anh về nước
Ngày 30-11-2019, sau hơn 1 tháng gặp nạn tại Anh, toàn bộ thi hài và tro cốt các nạn nhân trong vụ 39 người tử vong trong thùng xe container ở hạt Essex, Đông Bắc thủ đô London (Anh) ngày 23-10-2019 đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương Việt Nam và Anh đưa về Việt Nam, bàn giao cho gia đình.
Đây là kết quả của sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cùng nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương trong nước trong việc phối hợp chủ động, chặt chẽ với phía Anh, hướng dẫn các gia đình có người bị nạn những thủ tục cần thiết, khẩn trương đưa thi hài và tro cốt các nạn nhân về nước. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển thi hài và tro cốt các nạn nhân.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Heather Wheeler ngày 5-11-2019
Đưa thi hài các nạn nhân về tới Nội Bài ngày 27-11-2019 - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp
Trong quá trình này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã có nhiều cuộc làm việc với quan chức chính phủ Anh về vụ việc. Bộ Ngoại giao khẳng định quá trình xác minh danh tính, bảo hộ công dân và đưa thi hài và tro cốt các nạn nhân về nước đều được tiến hành trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với luật pháp quốc tế, quy định pháp luật và tập quán của Việt Nam và Anh.
Dương Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)