Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, với mức độ nguy hiểm của dịch viêm phổi do virus corona thì không thể chủ quan, mà phải rất cấp bách như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo "chống dịch như chống giặc".
Bí thư Thành ủy TP HCM chỉ đạo nhiều đầu việc để phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra
So sánh với dịch Sars giai đoạn 2002-2003, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong 2 năm diễn ra, dịch này lan ra 29 quốc gia, làm 8.096 người nhiễm bệnh, 774 người trong đó đã chết. Trong khi đó, dịch viêm phổi do virus corona mới diễn ra 1 tháng ở Trung Quốc nhưng đã làm hơn 9.800 người nhiễm, 213 người chết - chứng tỏ mức độ rất nguy hiểm, sắp tới có thể con số này còn tăng lên rất nhiều.
"Người đến từ vùng dịch phải tự giám sát phù hợp mới phòng ngừa được, vì đợi đến khi phát hiện thân nhiệt cao thì đã lây lan bệnh cho người khác. Ba người Việt Nam bị nhiễm bệnh cũng vậy, về nước cả 2 tuần sau mới bắt đầu phát bệnh" - ông nói.
Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu nếu dịch bệnh xảy ra ở khu vực nào thì phải khoanh vùng, ngăn chặn tại chỗ, không cho lây lan. TP HCM hơn 10 triệu dân mà để xảy ra dịch thì hậu quả vô cùng nguy hiểm với khu vực và cả nước.
Để hạn chế việc lây lan, Bí thư Thành uỷ TP HCM yêu cầu các ngành chức năng rà soát lại các sự kiện tập trung đông người, nếu thấy băn khoăn thì báo cơ quan cấp trên để quyết định; đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân biết cách tự bảo vệ bản thân và người khác.
"TP khẳng định không thiếu kinh phí trong việc chống dịch viêm phổi, tất cả những người được đưa vào cơ sở y tế giám sát đều được miễn phí, còn các trường hợp giám sát tại nhà sẽ được miễn phí dụng cụ" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và cho rằng phải làm sao để người dân nâng cao ý thức tự dự phòng là chính.
Đối với việc cung cấp khẩu trang y tế để tránh lây nhiễm, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết TP có 35 nhà máy sản xuất khẩu trang bảo đảm chất lượng nên tuyệt đối không để thiếu. UBND TP sẽ giao Saigon Co.op có hợp đồng cung cấp trước mắt chuẩn bị một triệu chiếc để phục vụ người dân.
"Báo chí, người dân phát hiện việc tăng giá khẩu trang thì phản ánh ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Ngành y tế phải đảm bảo trang thiết bị bảo vệ cho nhân viên, tránh lây nhiễm" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Trước đó, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho hay từ khi có thông tin dịch bệnh đầu tiên ở Trung Quốc, sở đã theo dõi và đánh giá virus corona hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập TP. Bởi lẽ, TP HCM có hơn 10 triệu dân và là đầu mối giao thông, đặc biệt là có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Vì vậy, TP HCM đã tập trung tổ chức giám sát chặt ngay khu vực cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Hiện nay, 2 ca đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy đều là người Trung Quốc và TP HCM chưa phát hiện ca nào lây nhiễm tại cộng đồng, chứng tỏ việc kiểm soát của TP là khá tốt.
Chủ tịch UBND TP HCM: Bắt tay ngay vào việc, không vui Tết quá đà
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Canh Tý 2020 và triển khai tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona vào chiều 31-1.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu người đứng đầu các sở - ban - ngành, chủ tịch UBND các quận - huyện thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động.
Đặc biệt, phải tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau Tết, không vui Tết quá dài, không tổ chức tân niên sa đà, lãng phí. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy các hoạt động sản xuất - kinh doanh, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp phải chờ đợi.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau Tết, không vui Tết quá dài
"Cán bộ, công chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, trừ trường hợp được phân công nhiệm vụ. Không để xảy ra tình trạng người lao động bỏ việc, thiếu hụt lao động làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp" – ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP HCM cũng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung triển khai, cụ thể hóa kế hoạch năm 2020, trong đó phải xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức và cá nhân, đặc biệt là tính nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó cần xác định rõ mốc thời gian, lộ trình hoàn thành từng công việc.
Đặc biệt, ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo phải đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đẩy lùi nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Chấn chỉnh, tấn công triệt phá những tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội, cờ bạc. Đánh giá tình hình hoạt động của tín dụng đen để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với hoạt động trái pháp luật này nhằm xây dựng môi trường xã hội trong sạch và lành mạnh.
Ngoài ra, cần tăng cường tiếp xúc đối thoại, giải quyết hiệu quả ngay từ đầu năm, không để xảy ra các điểm nóng tập trung đông người về khiếu nại, khiếu kiện ảnh hưởng đến an ninh trật tự và môi trường đầu tư của TP HCM.
Trước đó, báo cáo về công tác chăm lo Tết Nguyên đán 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết TP đã tập trung thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng chính sách... đảm bảo Tết đến mọi nhà, mọi người. Tổng kinh phí chăm lo Tết là hơn 1.000 tỉ đồng, tăng 26,7 tỉ đồng so với năm 2019.
TP HCM đã kịp thời chăm lo Tết đầy đủ, thường xuyên động viên, thăm hỏi các hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất thực hiện các dự án trọng điểm của TP. Trong dịp Tết, người dân tiếp tục có xu hướng thay cho "ăn Tết" bằng "vui Tết", đi du lịch nhiều hơn, chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại, mua sắm trên mạng và giảm thói quen mua dự trữ hàng hóa
Theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), số người bị tai nạn giao thông nhập viện cấp cứu Tết năm nay giảm nhẹ so với kỳ nghỉ Tết năm 2019. Tuy nhiên, một số tai nạn gia tăng như tai nạn sinh hoạt (103 ca); ca tai nạn do pháo, chất nổ (10 ca).
Cấp cứu chỉnh hình tại Bệnh viện Chợ Rẫy Tết năm nay tăng hơn năm ngoái
Trong 7 ngày nghỉ Tết 2020, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện 278 ca phẫu thuật các loại, trong đó nhiều nhất là chỉnh hình (80 ca), ngoại tiêu hóa (73 ca), mổ cấp cứu chấn thương sọ não (24 ca). Lượng máu sử dụng cho cấp cứu mùa Tết năm nay là 674 đơn vị, tăng hơn dịp Tết năm ngoái hàng trăm đơn vị.
Ng.Thạnh
Phan Anh - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)