Nghi thức đập rượu Sake truyền thống Nhật Bản khai mạc Chương trình giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam – Nhật Bản lần 5, năm 2019 tại Cần Thơ.
►“Sức mạnh mềm” của ngoại giao văn hóa
“Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã nêu rõ các hoạt động chính của công tác ngoại giao văn hóa gồm có: mở đường, khai thông quan hệ với các nước và khu vực chưa có nhiều quan hệ; xúc tiến, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các quốc gia; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế; vận động để Việt Nam có nhiều di sản được quốc tế công nhận và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện nhiệm vụ đó, thời gian qua, công tác ngoại giao văn hóa cùng với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp tích cực trong thành tựu của lĩnh vực đối ngoại.
Một trong những hoạt động có ý nghĩa nhất của ngoại giao văn hóa là thực hiện việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài, với nhiều hình thức đa dạng được triển khai tại nhiều nước như Indonesia, Mông Cổ, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Pháp, Nga, Chile, Argentina... Ngày 25-2-2020, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao đã diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài (2010-2020).
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - khẳng định việc triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài thập niên qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể là giúp phát huy điểm chung giữa Việt Nam với bạn bè, đối tác từ các giá trị, lý tưởng cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi; giúp Việt Nam và đối tác tăng cường hiểu biết lẫn nhau, phấn đấu vì mục tiêu và lợi ích chung, củng cố lòng tin và tình hữu nghị, từ đó góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngày càng rộng mở và đi vào chiều sâu. Nhìn chung, hoạt động tôn vinh này thể hiện sự yêu mến và trân trọng tư tưởng, nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Bác cho sự phát triển của nhân loại, thúc đẩy hòa bình, bình đẳng giữa các dân tộc, độc lập chủ quyền và hợp tác quốc tế.
Hoạt động nổi bật khác của ngoại giao văn hóa là tổ chức các chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, điển hình như Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Ekaterinburg - Liên bang Nga, Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Lào hay Ngày Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc năm 2019. Những chương trình này đã góp phần giới thiệu đến chính giới và người dân sở tại những bản sắc văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trên các lĩnh vực ẩm thực, thời trang, văn học, nghệ thuật truyền thống và đương đại.
Gần nhất là vào tháng 2-2020, Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Saint-Brieuc, Pháp đã tổ chức nhiều hoạt động nổi bật quảng bá văn hóa và con người Việt Nam. Trong đó, triển lãm ảnh giới thiệu nhiều bức ảnh đẹp về cuộc sống của người dân, về vẻ đẹp đất nước Việt Nam do những công dân Pháp chụp, đã được trưng bày suốt gần 2 tuần tại Tòa thị chính thành phố Saint-Brieuc thuộc tỉnh Côtes-d’Armor, Tây Bắc nước Pháp.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Saint-Brieuc, Hội thảo “Việt Nam với chủ quyền Biển Đông” đã được tổ chức với sự chủ trì của Hiệp hội Côtes-d’Armor Việt Nam - một hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và tình nguyện xã hội, tập hợp những công dân Pháp và người Pháp gốc Việt yêu mến Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác về văn hóa giữa Việt Nam và Pháp.
Hội thảo về Biển Đông đã giúp người dân thành phố Saint-Brieuc nói riêng và người dân tỉnh Côtes-d’Armor nói chung nắm được các diễn biến trên Biển Đông - vùng biển quốc tế có vai trò quan trọng trong giao thương hàng hải, từ đó góp tiếng nói đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không quốc tế trong khu vực biển này. Qua sự kiện trên, ngoại giao văn hóa càng chứng tỏ là một công cụ có “sức mạnh mềm”, không chỉ giúp thúc đẩy quan hệ bang giao mà còn là phương tiện hữu hiệu để lan tỏa những thông điệp khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam với bạn bè thế giới.
Ở trong nước, nhiều địa phương đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tổ chức nhiều lễ hội, festival quốc tế, như: Festival Về Miền Quan họ, Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội Cà phê Buôn Mê Thuột, Festival Biển Nha Trang, Festival Hoa Đà Lạt... Những hoạt động này đã giúp quảng bá, đưa hình ảnh địa phương Việt Nam ngày càng gần gũi, thân thiện trong mắt du khách nước ngoài, góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Không chỉ vậy, những lễ hội quốc tế còn là cơ hội để người dân tiếp xúc và hiểu thêm các nền văn hóa trên thế giới, qua đó thúc đẩy tình hữu nghị với nhân dân các nước.
►Cần Thơ tích cực trong nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa
Từ nhiều năm qua, công tác đối ngoại của thành phố Cần Thơ đã được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, xúc tiến viện trợ phi chính phủ và thông tin, tuyên truyền đối ngoại góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố và dần khẳng định hình ảnh, vị thế của thành phố trên trường quốc tế.
Trong vai trò là cơ quan đối ngoại của thành phố, Sở Ngoại vụ đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố tổ chức giao lưu với nhiều đoàn nghệ thuật đến từ các nước Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia... thông qua các hoạt động biểu diễn múa hát, xiếc, giới thiệu ngôn ngữ, văn hóa... Đây là những dịp giúp người dân thành phố có cơ hội tiếp xúc, thưởng thức trực tiếp các loại hình nghệ thuật văn hóa của nhiều nước trên thế giới, đồng thời quảng bá được nét đặc sắc của văn hóa, của con người Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới. Song song đó, thành phố cũng đã cử cán bộ tham dự các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn trên thế giới; tham gia các hoạt động triển lãm du lịch, tuần văn hóa Việt Nam tại các nước.
Nhằm quảng bá nét đặc trưng văn hóa bản địa, trong các cuộc tiếp xúc hoặc giao lưu với các đoàn khách quốc tế, Cần Thơ luôn chú trọng xây dựng các chương trình tham quan các di tích lịch sử, di sản văn hóa; giới thiệu văn hóa Cần Thơ qua các tặng phẩm hay văn hóa ẩm thực qua những tiệc chiêu đãi... Hàng năm, UBND thành phố đều tổ chức tiệc chúc mừng năm mới cho các chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Cần Thơ; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức gặp mặt thân mặt với bà con Việt kiều tiêu biểu của thành phố. Xác định những hoạt động nêu trên là cơ hội để giới thiệu bản sắc văn hóa con người Tây Đô đến bạn bè thế giới, nên mọi công tác tổ chức đều được chuẩn bị chu đáo và để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng viễn khách.
Thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa, góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao và hợp tác với các nước, Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật cũng như các sự kiện lễ hội văn hóa. Theo đó, Sở Ngoại vụ cùng các sở, ngành hữu quan tiếp tục duy trì và phát triển những chương trình mang tính chất thường niên đã được tổ chức thành công vào các năm trước, như: Chương trình giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam - Nhật Bản; Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ; Những ngày văn hóa Việt Nam - Pháp. Ngoài ra, Cần Thơ sẽ xem xét tổ chức thêm nhiều hoạt động triển lãm, biểu diễn tôn vinh các giá trị văn hóa Nam bộ như nghệ thuật đờn ca tài tử, dân ca Nam bộ, sân khấu cải lương, biểu diễn trang phục dân tộc, giao lưu văn nghệ với các nước.
SONG THƯ - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)