Ngày 11-7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ 3 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Huỳnh Thanh Nhân.
Lúng túng xử lý karaoke loa kéo
Đặt câu hỏi với Giám đốc Sở VH-TT TP, đại biểu (ĐB) Tăng Hữu Phong cho biết sau khi Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tô Thị Bích Châu trình bày vấn đề hát karaoke loa kéo gây mất trật tự, ảnh hưởng khu dân cư tại kỳ họp đã lập tức nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri TP. "Quan điểm của Giám đốc Sở VH-TT về việc này như thế nào và hướng khắc phục ra sao?" - ĐB Phong chất vấn.
Giám đốc Sở VH-TT TP trả lời thời gian qua, Sở VH-TT TP đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về tiếng ồn từ karaoke loa kéo. Thanh tra sở cũng đã phối hợp với các quận, huyện để xử lý. Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Sở VH-TT có trách nhiệm là trưởng đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội. Còn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì trách nhiệm xử lý tiếng ồn thuộc ngành tài nguyên và môi trường theo Nghị định 155/2016. Còn xử phạt vi phạm hành chính thuộc ngành công an, theo Nghị định 167/2013; mức phạt rất thấp.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP, khẳng định trong thời gian tới, ngành du lịch TP đẩy mạnh liên kết để phát triển sản phẩm du lịch Ảnh: LÊ VĨNH
Giám đốc Sở VH-TT cho biết thêm sở đã tham mưu UBND TP giao trách nhiệm cho các ngành liên quan, ngoài Sở VH-TT còn có Công an TP, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện; MTTQ và các đoàn thể cũng phối hợp tuyên truyền, vận động.
Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nói trong 6 tháng đầu năm, có 46 trường hợp vi phạm về tiếng ồn bị lập biên bản và xử lý. "Sở sẽ tham mưu UBND TP hướng dẫn các địa phương. Đó là xử lý tiềng ồn theo hướng gây mất trật tự theo Nghị định 167 và xử lý theo tính chất nguồn gây ra tiếng ồn lớn theo Nghị định 155" - ông Thắng nói.
Nhận định về nạn hát karaoke bằng loa kéo gây mất trật tự, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho rằng các sở, ngành, quận, huyện đang lúng túng, chưa thống nhất trách nhiệm trong việc xử lý. Do vậy, Sở VH-TT cần làm việc với các sở, ngành để rà soát lại những quy định pháp luật, từ đó hình thành bộ tiêu chí ứng xử cộng đồng; đồng thời, các sở, ngành cần hướng dẫn quận, huyện các giải pháp để giải quyết.
Du lịch hồi phục bằng giải pháp nào?
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP, cũng đăng đàn, trả lời về các giải pháp vực dậy ngành du lịch sau thời gian "ngủ đông" do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
ĐB Triệu Đỗ Hồng Phước và ĐB Nguyễn Mạnh Trí đề nghị Sở Du lịch TP nêu các giải pháp khôi phục, phát triển ngành du lịch TP. Nêu thực trạng sản phẩm du lịch TP chưa hấp dẫn, bà Nguyễn Thị Lệ đặt thêm câu hỏi: Sản phẩm du lịch đặc trưng của TP là gì? Giải pháp đa dạng hóa sản phẩm du lịch ra sao?
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ thừa nhận do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch của TP suy giảm trầm trọng. Số lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 52%, doanh thu giảm gần 50%. Để phục hồi ngành du lịch, Sở Du lịch TP đã liên kết các ngành vận tải hàng không, đường sắt, các đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ, lữ hành… tung gói kích cầu lớn nhất từ trước tới nay với 280 tour đến TP. Ngoài ra, TP cũng phối hợp với các địa phương để thúc đẩy liên kết tour, tuyến du lịch.
Về giải pháp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra các chuỗi cung ứng dịch vụ hấp dẫn để thu hút du khách, giám đốc Sở Du lịch TP cho rằng nếu so với Singapore, Bangkok (Thái Lan) thì TP không thiếu nhưng độ hấp dẫn còn mờ nhạt. "Sự liên kết để phát triển sản phẩm văn hóa và giải trí là một trong những yêu cầu TP xác định đầu tư trong giai đoạn sắp tới" - ông Vũ nói.
Tiến tới thu phí ôtô vào trung tâm TP
Tại phiên họp chiều cùng ngày, các ĐB đã thông qua 13 tờ trình của UBND TP. Trong đó, đáng chú ý là thông qua Nghị quyết về thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TP.
Theo đó, HĐND TP tán thành việc xây dựng Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Đây là đề án quan trọng, có tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống của người dân TP. Quan điểm của HĐND TP là phát triển giao thông công cộng phải kết hợp với hạn chế số lượng phương tiện cá nhân. Phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để kiểm soát xe cá nhân. Ngân sách nhà nước giữ vai trò chỉ đạo (bao gồm đầu tư hạ tầng và vận hành khai thác), bảo đảm hệ thống giao thông công cộng bền vững.
Các giải pháp đưa ra là thu phí ôtô lưu thông vào trong khu vực trung tâm TP trong giai đoạn 2021-2025 (chỉ áp dụng đối với ôtô đi vào trung tâm, không thu chiều ra, không thu phí xe máy); phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu kết luận kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị các ban, tổ ĐB, ĐB HĐND phát huy trách nhiệm hơn nữa trong việc giám sát chặt chẽ công tác triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND TP, bảo đảm tuân thủ pháp luật, đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Chủ tịch HĐND TP cho rằng thời gian còn lại của năm 2020 không nhiều, những khó khăn do đại dịch Covid-19 để lại vẫn còn rất lớn và kéo dài. Do đó, để hoàn thành những mục tiêu năm 2020, đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các ngành cần phát huy tinh thần đoàn kết, sẵn sàng vượt khó, khẩn trương làm việc, linh hoạt và sáng tạo, kỷ cương và trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.
"Cần chú trọng nâng cao tính kỷ luật, vai trò phối hợp giữa các ngành, địa phương, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến chậm tiến độ công việc, lãng phí thời gian, lãng phí trong đầu tư…; tập trung giải quyết sớm những vấn đề bức xúc của nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức TP phải tận tụy, tâm huyết và trách nhiệm hơn nữa để nâng cao chất lượng hiệu quả công việc; luôn tự rèn luyện, học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, nhận thức chính trị, đổi mới trong phương pháp làm việc; đoàn kết, quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, chủ động trong phối hợp giải quyết công vụ" - bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu) trên địa bàn quận Bình Thạnh thành đường Lê Văn Duyệt.
Nhiều đầu việc quan trọng vào cuối năm
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên bế mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá trong thời gian qua, HĐND TP đã có nhiều giám sát chuyên đề góp phần tạo nên những kết quả đáng ghi nhận. Nhìn chung, TP đã duy trì được điều kiện sản xuất, kinh doanh của TP an toàn, triển khai các giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN); hỗ trợ người lao động, người hưởng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19.
Trong những tháng cuối năm 2020, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tiếp tục ứng phó để ngăn việc lây lan của dịch Covid-19 ở mọi tình huống để TP an toàn nhất. Đẩy mạnh đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các quận, huyện; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19 cuộc vận động "Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước"; Chỉ thị 23 về chấn chỉnh hoạt động xây dựng; thực hiện các hoạt động về chủ đề năm 2020 "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị". Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ DN, phấn đấu đến tháng 8 hỗ trợ hết 8.000 DN; triển khai quyết liệt đầu tư công, đến tháng 10 đạt ít nhất 80% tỉ lệ giải ngân; sơ kết Nghị quyết 54 và bổ sung đề án chính quyền đô thị, góp phần thực hiện thành công Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)