75 năm và bài học cải cách hành chính

Thứ tư, 02 Tháng 9 2020 11:57 (GMT+7)
Sự thành lập bộ máy nhà nước do tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu là sự kiện đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nhà nước của dân tộc ta

Ngay khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2-9-1945, sau đó một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp Chính phủ lâm thời, nêu rõ những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước gồm 6 điểm, trong đó có việc "đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu" để có một Chính phủ của nhân dân, do dân thành lập - Chính phủ hợp hiến.
 
Tư tưởng vượt thời gian
Ý tưởng tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội theo chế độ phổ thông đầu phiếu, sau đó Quốc hội sẽ xây dựng và ban hành Hiến pháp, tuân theo quy định của Hiến pháp để hình thành một nhà nước hợp hiến; và quan điểm nếu một nhà nước không có Hiến pháp là nhà nước không dân chủ đã được Người tiếp thu có chọn lọc tư tưởng về nhà nước dân chủ và pháp quyền từ các tư tưởng tiến bộ của thời đại. Sự thành lập bộ máy nhà nước do tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu là sự kiện đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nhà nước của dân tộc ta.
 
Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, sau đó ngày 2-3-1946, Quốc hội họp kỳ họp thứ nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo của Chính phủ lâm thời trước Quốc hội. Quốc hội đã bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ và giao cho Chủ tịch thành lập Chính phủ mới.
 
75 năm và bài học cải cách hành chính - Ảnh 1.
Cải cách hành chính là một trong 7 chương trình đột phá của Đảng bộ và chính quyền TP HCM trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong ảnh: Xử lý hồ sơ trực tuyến tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đệ trình trước Quốc hội cơ cấu và các thành viên của Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Chính phủ gồm chủ tịch, phó chủ tịch và 10 bộ trưởng. Đây là Chính phủ hợp hiến đầu tiên sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc và hơn 80 năm nô lệ.
 
Chính phủ theo Hiến pháp 1946 là cơ quan hành chính cao nhất của quốc gia, Hiến pháp quy định mối quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ như một cơ chế phối hợp và kiểm soát. Hiến pháp bảo đảm một nền hành pháp mạnh, phân nhiệm cao cho hành pháp.
 
Xét về mặt thể chế, trước khi có Hiến pháp, Người quan niệm một xã hội không thể sống một ngày không có pháp luật, cho nên Người đã ký sắc lệnh giữ lại mọi luật lệ của chế độ cũ, chỉ trừ những điều luật trái với nền độc lập, tự do. Đồng thời, Người ký một loạt sắc lệnh cấp bách: sắc lệnh bảo đảm tự do cá nhân, sắc lệnh bãi bỏ thuế thân, sắc lệnh tổ chức tòa án độc lập với hành chính... Đó là nền tảng trước mắt và lâu dài cho một nhà nước pháp quyền.
 
Tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong hoạt động của Chính phủ, của các chính quyền, của các tổ chức, Người đòi hỏi tất cả tổ chức và cá nhân phải chấp hành pháp luật, không ai được đứng trên và đứng ngoài pháp luật.
 
Lấy hiệu quả làm mục tiêu
Về bộ máy Chính phủ, xét về mặt hình thức có thể nhận thấy mô hình Chính phủ 10 bộ rất gần với Chính phủ của các quốc gia phát triển ngày nay. Trong tư tưởng chỉ đạo cải cách bộ máy Chính phủ, chúng ta đang hướng tới là giảm bộ, giảm cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức bộ liên ngành đa lĩnh vực.
 
Trước kia, trong nền kinh tế kế hoạch tập trung, hễ có ngành sản xuất nào thì có bộ đó. Ví dụ, Bộ Cơ khí luyện kim, Bộ Điện than, Bộ Mỏ địa chất, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm... Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã tách quản lý hành chính nhà nước ra khỏi hoạt động sản xuất - kinh doanh đòi hỏi phải tổ chức bộ liên ngành, đa lĩnh vực.
 
Mô hình thiết kế các bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ là theo xu hướng bộ liên ngành, đa lĩnh vực. Ví dụ, trong Bộ Nội vụ có Nha Công an phụ trách an ninh; Bộ Canh nông có thủy lợi, lâm nghiệp, nông nghiệp; Bộ Xã hội - Y tế - Cứu tế và Lao động thấy rõ nhất tính chất liên ngành, đa lĩnh vực.
 
Đối với chính quyền địa phương do Chính phủ quản lý, ngay từ những ngày đầu mới giành được độc lập, dù bận trăm công ngàn việc, lo chống "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm", Hồ Chủ tịch vẫn nhanh chóng ban hành Sắc lệnh số 63 ngày 22-11-1945 về "Tổ chức chính quyền nhân dân ở các địa phương" và ngay sau đó, ngày 21-12-1945, ban hành tiếp Sắc lệnh số 77 về "Tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố".
 
Rõ ràng, dù Chính phủ lâm thời còn rất non trẻ nhưng dưới sự lãnh đạo và điều hành trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân biệt rõ sự khác nhau của việc tổ chức quản lý địa bàn nông thôn so với địa bàn đô thị. Ở địa bàn nông thôn, do xác định cấp huyện là cấp trung gian giữa tỉnh và xã cho nên không thiết kế HĐND huyện, chỉ có ủy ban hành chính huyện.
 
Trên địa bàn đô thị, chỉ thiết kế "ở mỗi thành phố đặt 3 thứ cơ quan: HĐND TP, Ủy ban Hành chính TP và Ủy ban Hành chính khu phố". Phải chăng đây là tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng chính quyền nhân dân: lấy hiệu quả làm mục tiêu, gọn, nhẹ theo đúng khoa học về tổ chức và đỡ tốn tiền của dân, có hiệu lực để phục vụ tốt cho dân.
 
Với đội ngũ công chức trong bộ máy Chính phủ, chúng ta thấy rõ tư tưởng trọng dụng nhân tài. Trong Chính phủ của Cụ Hồ, có rất nhiều nhân sĩ nổi tiếng nhưng ở ngoài Đảng: ông Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước; ông Bùi Bằng Đoàn, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội; các ông Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng; rồi đến các ông Vũ Đình Huỳnh, Phạm Khắc Hòe, Phan Kế Toại... Các nhân sĩ này là những người trước hết là yêu nước, liêm chính được đào tạo và điều hành bộ máy hành chính có nhiều kinh nghiệm.
 
Thiết nghĩ, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân phải thực sự nghiên cứu mô hình tổ chức Chính phủ do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết kế.
Tư tưởng Hồ Chí Minh vượt không gian, thời gian, mãi mãi soi đường cho chúng ta trên con đường đổi mới cải cách.
 
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị