“Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước” - Những trang sách quý

Chủ nhật, 13 Tháng 9 2020 16:09 (GMT+7)
Thành ủy Cần Thơ vừa tổ chức họp báo giới thiệu cuốn sách “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước” của đồng chí Lê Phước Thọ, do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản. Đây là những tư liệu rất quý báu của một nhà cách mạng lão thành, trọn đời cống hiến cho Tổ quốc, quê hương.
Đồng chí Lê Phước Thọ phát biểu trong buổi giới thiệu sách. Ảnh: DUY KHÔI
Đồng chí Lê Phước Thọ phát biểu trong buổi giới thiệu sách. Ảnh: DUY KHÔI
 
Đồng chí Lê Phước Thọ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa IV, V, VI, VII, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, sinh ra và trưởng thành ở cực Nam của Tổ quốc. Đồng chí đã chứng kiến và trực tiếp chịu sự đàn áp, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến nên sớm đến với cách mạng, đến với chủ nghĩa cộng sản. Từ đó, đồng chí đã đi theo con đường kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ năm 1975 đến nay, đồng chí liên tục công tác và cống hiến, góp phần cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Cuốn sách “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước” là hồi ức của tác giả ghi lại những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời của mình - từ lúc sinh ra, lớn lên, trưởng thành - với tâm nguyện làm món quà lưu niệm cho con cháu, bạn bè, đồng chí thân thiết và cho đời sau. Sách viết về miền quê, nơi gia đình đặt chân “khai sơn, phá thạch” vùng Bạc Liêu - Cà Mau khi xưa với bao nhọc nhằn “một cổ hai tròng” dưới thời thực dân, phong kiến. Đến một ngày, Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quê hương rợp bóng cờ bay, lần lượt cùng bạn bè trang lứa, người thanh niên yêu nước Lê Phước Thọ gia nhập hàng ngũ dưới lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ ấy, với tấm lòng nhiệt huyết thời trai trẻ và là người chứng kiến tận mắt nỗi khổ đau của người dân quê hương khi bị ngoại bang xâm lược, bị áp bức, bất công; bước chân của đồng chí đã miệt mài đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi được tổ chức phân công.
 
Từ Cà Mau, đồng chí lên vùng Sóc Trăng, Hồng Dân (lúc ấy thuộc Bạc Liêu), Hậu Giang và nhiều nơi khác... ở nơi đâu đồng chí cũng trụ vững trong lòng người dân yêu nước. Những tháng ngày cùng ăn, cùng ở với đồng bào, được bà con chở che, đùm bọc trong những năm gian khó nhất của cách mạng miền Nam khi Ngô Đình Diệm lê máy chém hủy diệt cộng sản, nguy nan, sống chết kề cận như “ngàn cân treo sợi tóc” là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Phước Thọ. Dù ở cương vị công tác nào của tỉnh và Trung ương, đồng chí cũng là trung tâm đoàn kết, một lòng, một dạ với công việc, với anh em đồng chí, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
 
Nhớ lại, giai đoạn bắt tay vào xây dựng đất nước sau chiến tranh ở Hậu Giang, đây là lúc người đứng đầu phải vắt óc cùng anh em đồng chí vực dậy vùng quê lúa để bà con Sóc Trăng - Cần Thơ sớm ổn định cuộc sống, sớm thoát nghèo; làm sao vươn lên để trở thành một trong những vựa lúa của ĐBSCL; đóng góp cho cả nước. Những mục tiêu này đã đạt được và thực hiện đúng lời hứa với đồng chí Phạm Văn Đồng khi về thăm Hậu Giang, Đảng bộ hứa phấn đấu đạt sản lượng 2 triệu tấn/năm.
Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, tặng hoa chúc mừng đồng chí Lê Phước Thọ. Ảnh: DUY KHÔI
Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, tặng hoa chúc mừng đồng chí Lê Phước Thọ. Ảnh: DUY KHÔI
 
Một cột mốc không thể không nhắc đến, đó là thời kỳ đồng chí Lê Phước Thọ được điều động ra Trung ương nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, cùng với một số ban, bộ, ngành làm tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng nghiên cứu đề xuất Nghị quyết 10 về quản lý kinh tế nông nghiệp (gọi tắt là Khoán 10) - một dấu son và khâu đột phá về chính sách nông nghiệp. Từ đó, sản xuất không những bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn xuất khẩu gạo ngang hàng với một số nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
 
Bước vào giai đoạn “tự đổi mới, tự chỉnh đốn” trong toàn Đảng, khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ năm 1991, Đảng ta, một lần nữa “chọn mặt gửi vàng”, từ Ban Nông nghiệp Trung ương, đồng chí Lê Phước Thọ được phân công về giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đồng chí ở Trung ương và các địa phương trong cả nước vượt qua biến cố, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
 
Bằng tấm gương trong sáng, giản dị, nhân hậu, suốt đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Lê Phước Thọ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào, đồng chí, anh em nơi đồng chí từng công tác, gắn bó.
Đồng chí Lê Phước Thọ tặng sách cho đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo một số tỉnh/thành ủy khu vực ĐBSCL. Ảnh: DUY KHÔI
Đồng chí Lê Phước Thọ tặng sách cho đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo một số tỉnh/thành ủy khu vực ĐBSCL. Ảnh: DUY KHÔI
 
Những năm trở về nghỉ ngơi cùng gia đình, đồng chí vẫn luôn trăn trở đến công tác vì người nghèo, thường xuyên đến thăm, tặng quà bà con vùng kháng chiến, bà con nghèo, bà con dân tộc Khmer từng nuôi dưỡng, chở che đồng chí và đồng đội đi đến ngày đất nước toàn thắng; đồng chí còn tham gia viết Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, cho thế hệ nối tiếp nhiều ý kiến quý báu. Mong ước lớn nhất của đồng chí là đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
 
Với tinh thần tôn trọng sự thật, khách quan, khoa học và ý thức trách nhiệm đối với lịch sử, nhóm biên tập đã tái hiện lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Phước Thọ tương đối tỉ mỉ. Trong đó, cố gắng làm nổi bật một số sự kiện trọng yếu về cuộc đời đồng chí, đồng thời miêu tả một cách chi tiết chân thật nhất về quá trình tham gia, lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử dân tộc. Cuốn sách gồm 4 phần: “Chào đời và trải qua hai cuộc kháng chiến (1927-1975)”, “Góp phần xây dựng quê hương, đất nước (1976-1996)”, “Còn sức còn cống hiến” và “Năm tháng kỷ niệm, ký ức và những điều đọng lại” cùng một số hình ảnh kỷ niệm.
 
Có thể nói, đây là cuốn sách hết sức có giá trị với mong muốn ghi lại chặng đường hoạt động của một chứng nhân lịch sử. Sách vừa lưu dấu những kỷ niệm với những vùng đất đã đi qua, tình cảm với những con người từng gắn bó của đồng chí Lê Phước Thọ; vừa để cho các thế hệ hôm nay và mai sau thấy được những thời khắc gian khổ mà hào hùng của dân tộc qua lăng kính của một chiến sĩ cách mạng từng trải trong hai cuộc chiến tranh, một cán bộ lãnh đạo của Đảng đã kinh qua những vị trí chủ chốt trong giai đoạn đất nước chuyển mình đầy thử thách... Cuốn sách còn tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của một người chiến sĩ cộng sản Nam Bộ một cách đầy đủ từ nhiều khía cạnh trong công việc lẫn cuộc sống đời thường.
 
“Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước” làm nổi bật nhân cách sống, đạo đức trong cuộc sống đời thường, mang phong vị phù sa chân chất miền sông nước và nét mộc mạc tình người Nam Bộ, cả một quá trình về tuổi thơ, gia đình, quê hương, quá trình chiến đấu, trưởng thành, đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước và sự cống hiến không mệt mỏi của đồng chí Lê Phước Thọ đến tận khi tuổi đã xế chiều.
 
“SINH - LÃO - BỊNH - TỬ là quy luật đời người, không ai vượt qua được. Tuy nhiên, để thanh thản ra đi thì mình phải sống ngay thẳng, sống có ích cho đến tận ngày cuối cùng, không hổ thẹn với lương tâm và tâm nguyện của cha mẹ, dòng tộc, quê hương...
Điều mong muốn cuối cùng của tôi là các thế hệ tiếp nối hãy ra sức gìn giữ, bảo vệ từng tấc đất và biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, phát triển kinh tế thịnh vượng và thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””.
 
(Trích “Lời tác giả” trong quyển “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước” in từ thủ bút của đồng chí Lê Phước Thọ)
 
TRẦN HỮU NGHĨA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị