Hậu Giang chọn chìa khóa phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử

Thứ bảy, 03 Tháng 10 2020 11:28 (GMT+7)
Ngày 2/10, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ công bố Các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh.
 
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), đại diện các Tập đoàn Viettel, VNPT, FPT, Trường ĐH KHTN…, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở, ngành của tỉnh Hậu Giang cùng tham dự buổi lễ. 
 
Hậu Giang chọn chìa khóa phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu phát biểu tại buổi lễ công bố
Chuyển đổi số giúp người dân có cuộc sống tốt hơn
 
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, năm 2020 được xem là năm đột phá để ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
 
Qua đó, làm cơ sở để thực hiện đề án chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020 -2025 và định hướng đến năm 2030.
 
Mục tiêu của Hậu Giang là “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh một cách nhanh, bền vững.
 
Chánh văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang Đoàn Quốc Thật cho biết, sau gần 9 tháng khẩn trương xây dựng và triển khai các hạng mục và nội dung liên quan, đến nay cơ bản các hệ thống thông tin của hệ thống chính quyền điện tử và đô thị thông minh Hậu Giang đã hoàn thành và đi vào vận hành thí điểm.
 
Hậu Giang chọn chìa khóa phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi động "Các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của Hậu Giang"
 
Bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
 
Cụ thể thông qua: trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang (IOC); trung tâm giám sát an toàn, an ninh thông tin (SOC); cổng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng di động Hậu Giang, tổng đài cải cách hành chính, cổng thông tin điện tử, hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, trục liên thông dữ liệu tỉnh.
 
Tại lễ công bố, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang Lã Hoàng Trung giới thiệu với các đại biểu về Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh.
 
Bước chuyển mình lịch sử của Hậu Giang
 
Phát biểu tại buổi lễ công bố, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho biết, “lễ công bố các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh” là cột mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của Hậu Giang trong nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước.
 
Hậu Giang chọn chìa khóa phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử
Ông Lê Tiến Châu cùng các đại biểu tham quan trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh
 
Theo ông Châu, thời gian qua, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã diễn ra mạnh mẽ, tốc độ nhanh chóng, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, sản xuất, tác động sâu và toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của thế giới và đất nước.
 
“Với xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, không có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên so với các địa phương khác trên cả nước, để tạo sự chuyển biến đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì Hậu Giang phải tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh đặc thù.
 
Hậu Giang lựa chọn chìa khóa cho sự phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, đây được xác định là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của Tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 tới đây”, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
 
Hậu Giang chọn chìa khóa phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử
 
Hậu Giang chọn chìa khóa phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử
Người đứng đầu Tỉnh uỷ, UBND Hậu Giang xác định, năm 2020 là năm Hậu Giang chọn phát triển đột phá của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh
 
Ông Châu khẳng định, Hậu Giang xác định năm 2020 là năm phát triển đột phá của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh.
 
Làm tiền đề cho việc thực hiện Đề án chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, phát triển kinh tế số, xã hội số, thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn với thành thị.
 
Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát triển kinh tế xã hội của tỉnh một cách bền vững, công bằng, bình đẳng và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.
 
“Hậu Giang đã ưu tiên nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng một số hệ thống thông tin nền tảng và Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Đến nay, các dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng.
 
Tôi kỳ vọng các dự án này sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và người dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích cho người dân trên môi trường Internet, cũng như giúp cơ quan nhà nước tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của mọi người dân, doanh nghiệp một cách tức thời.
 
Đồng thời, dự án sẽ cho phép mọi người dân được giám sát quá trình xử lý các phản ánh, kiến nghị đó một cách công khai, minh bạch; tích hợp các thông tin kinh tế - xã hội của toàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền...”, ông nói.
 
Hậu Giang chọn chìa khóa phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử
Ông Châu nhìn nhận, Hậu Giang mới chỉ bước những bước đi đầu tiên trong chặng đường dài thực hiện mục tiêu chiến lược về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số.
 
Do đó, ông đề nghị toàn thể sở, ngành nhận thức được tầm quan trọng và thống nhất trong hành động để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới, trong đó tập trung thực hiện các nội dung như: Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin, đặc biệt là Cổng dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
 
Đẩy mạnh, tăng tốc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đồng thời, góp phần chống dịch bệnh một cách hiệu quả.
 
Sở TT&TT tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, bổ sung tính năng của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, phối hợp với các Sở ngành, địa phương triển khai các ứng dụng đô thị thông minh phù hợp để phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng sống của người dân và doanh nghiệp; tham mưu cho Thường trực UBND tỉnh ban hành lộ trình thay thế hoàn toàn văn bản giấy bằng văn bản điện tử có ký số.
 
Đề xuất với Bộ TT&TT sớm triển khai mạng 5G đầu tiên trên địa bàn tỉnh và phổ cập điện thoại thông minh cho người dân bắt đầu từ năm 2021.
 
Bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng để kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu độc, đảm bảo một không gian mạng lành mạnh; hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin một cách hiện đại, đồng bộ để triển khai các ứng dụng đạt hiệu quả cao nhất.
 
Sở KH&CN, quan tâm, ưu tiên phát triển các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ, đặc biệt là khởi nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các lĩnh vực kinh tế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh…
 
Sở KH&ĐT phối hợp cùng Sở TT&TT xây dựng chính sách, triển khai giải pháp thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư sản xuất và triển khai các dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nông nghiệp thông minh, logistic.
 
Sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường trung học trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các em học sinh biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng di động của tỉnh và có thể hướng dẫn cho người thân trong gia đình sử dụng khi có nhu cầu. Đây là cách làm hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh chóng đến mọi hộ gia đình và cộng đồng doanh nghiệp.
 
Các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương chủ động trang bị các phần mềm, thiết bị cần thiết cho cán bộ, công chức của đơn vị mình sử dụng để cải tiến quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả trong công tác thực thi công vụ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng di động Hậu Giang để giao tiếp với chính quyền.
 
Ông Châu đề nghị các tổ chức, tập đoàn như Viettel, VNPT, FPT, CMC và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM  tiếp tục quan tâm, ưu tiên, ủng hộ, hỗ trợ tỉnh trong việc triển khai Đề án Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, đô thị thông minh. 
 
Hoài Thanh - (vietnamnet.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị