Xung kích, tình nguyện xây dựng thành phố phát triển

Thứ bảy, 17 Tháng 10 2020 07:29 (GMT+7)
Trải qua 64 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTNVN ngày càng lớn mạnh. Tại TP Cần Thơ, các cấp Hội LHTNVN đã đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên, tham gia nhiều chương trình, dự án giúp nhau phát triển kinh tế, xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, góp phần xây dựng thành phố ngày thêm văn minh, hiện đại.
Các bạn trẻ mang quà từ “Siêu thị yêu thương 0 đồng” đến tặng bà con tiểu thương trên chợ nổi Cái Răng, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
 
►Khởi nghiệp, lập nghiệp
 
Hơn 2 năm qua, Võ Quan Nhã ở ấp 8, xã Thới Hưng (huyện Cờ Ðỏ) khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn trong bồn. Mô hình này đã giúp anh tăng thêm thu nhập từ 50-60 triệu đồng/năm. Anh Nhã chia sẻ, sau 4 năm làm thợ hớt tóc ở quận Ninh Kiều, thu nhập không đủ chi tiêu trong cuộc sống, anh quyết định về quê phát triển kinh tế gia đình. Ðược người bạn kể về cách nuôi lươn trong bồn, vươn lên khấm khá, Nhã thử nghiệm mô hình. Nhã kể: “Tôi tìm đến một số cơ sở nuôi lươn giống uy tín ở quận Bình Thủy, vừa mua con giống, vừa học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn. Bên cạnh đó, tôi lên mạng tìm hiểu kỹ thuật và tham gia một số lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do các đoàn thể xã tổ chức. Sau khi nắm vững kiến thức, giữa năm 2018, tôi đầu tư xây 1 bồn bằng xi măng, nuôi thử 1.000 con lươn”.
 
Sau năm đầu tiên thử nuôi, giá lươn thương phẩm khá cao, hơn 170.000 đồng/kg, thu lợi hơn 15 triệu đồng. Ðầu năm 2019, anh tiếp tục xây thêm 5 bồn (mỗi bồn 4m2), nuôi 5.000 con lươn. Mỗi năm, anh xuất bán từ 2-3 đợt, thu lợi hàng chục triệu đồng. Trò chuyện cùng anh, nghe cách anh kể tỉ mỉ kỹ thuật nuôi lươn mới thấy sự chí thú làm ăn của người thanh niên này. Nhã bộc bạch: “Ða số bạn trẻ đều có nguồn vốn ít, vì vậy để khởi nghiệp, tôi nghĩ mỗi thanh niên cần lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp; chủ động tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm để hạn chế rủi ro”. Nguồn huê lợi từ nuôi lươn giúp anh tích lũy thêm vốn, cải tạo gần 2ha đất trồng bưởi, xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu để nâng cao thu nhập cho gia đình.
 
Theo chị Trần Thị Cẩm Sang, Phó Chủ tịch Hội LHTNVN xã Thới Hưng, toàn xã có 15 mô hình kinh tế có hiệu quả của thanh niên, trong đó có 7 mô hình từng được Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Giải thưởng Lương Ðịnh Của. Các mô hình tập trung trồng trọt, chăn nuôi, trong đó, các bạn trẻ đẩy mạnh ứng dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Hằng năm, Ủy ban Hội LHTNVN xã phối hợp tổ chức 1 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho thanh niên. Nhiều bạn trẻ còn tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác kinh tế để chia sẻ kinh nghiệm, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản.
 
Ở quận Ninh Kiều, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp cũng diễn ra sôi nổi, góp phần cổ vũ thanh niên hăng hái làm ăn, phát triển kinh tế. Anh Ðinh Quyết Thắng, Phó Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Ủy ban Hội LHTNVN quận Ninh Kiều, cho biết: “Mỗi phường đều xây dựng ít nhất 1 mô hình kinh tế điểm để thanh niên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau lập nghiệp. Ðến nay, đã 11 mô hình tạo được thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều bạn trẻ. Nổi bật là tranh gạo Tấn Bửu, dịch vụ kinh doanh, tổ chức sự kiện, trồng hoa kiểng…”. Bình quân, mỗi năm, Quận đoàn - Ủy ban Hội LHTNVN quận phối hợp mở từ 3 đến 4 lớp dạy nghề cho thanh niên. Các khóa học nghề gắn với nhu cầu thị trường, như: sửa chữa điện thoại, thiết kế đồ họa, pha chế thức uống nên thu hút nhiều thanh niên đăng ký tham gia. Ủy ban Hội LHTNVN quận còn thường xuyên tổ chức diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp” tại các phường. Qua đó, trang bị kiến thức khởi sự kinh doanh cho các bạn trẻ, tư vấn thủ tục pháp lý, đồng thời giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với thanh niên khởi nghiệp thành công để hun đúc tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ.
 
Theo Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTNVN thành phố, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp là nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động toàn khóa của Hội. Bên cạnh việc duy trì các mô hình kinh tế hiện có, nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban Hội LHTNVN thành phố đang xúc tiến xây dựng các đề án, dự án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Cụ thể là Ðề án thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Văn phòng hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ; dự án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”; đồng thời, phối hợp xây dựng mô hình hỗ trợ thanh niên yếu thế có cơ hội phát triển tại 83 xã, phường, thị trấn. Ðây là nền tảng vững chắc để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên thêm khởi sắc.
 
►Dấu ấn vì cộng đồng
 
Không chỉ đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, các cấp Hội LHTNVN trên địa bàn thành phố còn cụ thể hóa phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” bằng những hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Ðặc biệt, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các cấp Hội đã năng động, sáng tạo triển khai nhiều mô hình tham gia phòng chống dịch, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều chương trình tạo dấu ấn đẹp, lan tỏa lối sống nhân ái, nghĩa tình của thanh niên với cộng đồng xã hội. Nổi bật như vận động hội viên, thanh niên hưởng ứng chương trình “Triệu bữa cơm” do Trung ương Hội LHTNVN phát động. Kết quả, từ tháng 4 đến tháng 8, các cơ sở Hội đã phát 78.000 suất quà là các nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con nghèo, người vô gia cư, công nhân, lao động tự do mất việc làm, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hay như chương trình “Siêu thị yêu thương 0 đồng” giúp người gặp khó khăn vì dịch COVID-19 đã tặng 7.335 phần quà gồm các mặt hàng nhu yếu phẩm với tổng giá trị hơn 520 triệu đồng.
Thanh niên tham gia cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe” do Ủy ban Hội LHTNVN TP Cần Thơ phối hợp với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố tổ chức, nhằm gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.
 
Nhắc đến nghĩa tình của những bạn trẻ, chị Trần Ngọc Phương Sang ở khu vực 5, phường An Cư (quận Ninh Kiều) cứ tấm tắc ngợi khen. Gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo, sống bằng nghề bán vé số, trong khi phải nuôi 4 người con đang tuổi ăn học. Do dịch bệnh nên có thời gian chị phải nghỉ bán vé số, cuộc sống thêm phần vất vả. Chị Sang chia sẻ: “Biết gia cảnh tôi khó khăn, các bạn trẻ đến tận nhà hỗ trợ gạo, thịt, sữa và tặng quần áo cho các con tôi. Mỗi khi hết lương thực, thực phẩm, tôi chỉ cần ra công viên Lưu Hữu Phước là đến cây ATM gạo để nhận gạo, kế bên là “Siêu thị yêu thương 0 đồng” đặt ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận, tôi được chọn 5 loại thực phẩm để cải thiện bữa ăn”.
 
Theo anh Trần Việt Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Hội LHTNVN TP Cần Thơ, các hoạt động vì cộng đồng được các cấp hội đổi mới, sáng tạo, gắn với nhu cầu thực tiễn địa phương. Tiêu biểu như Ủy ban Hội LHTNVN thành phố vừa phối hợp với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ tổ chức giải Quần vợt “Vì bệnh nhân nghèo” và cuộc thi “Ði bộ vì sức khỏe” năm 2020. Sự kiện thu hút hơn 350 vận động viên là đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và người dân tham gia. Ðây không chỉ là môi trường giúp thanh niên rèn luyện sức khỏe, mà còn kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng đóng góp hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Qua sự kiện, Ban tổ chức đã tiếp nhận trên 186 triệu đồng từ các mạnh thường quân đóng góp cho quỹ “Vì bệnh nhân nghèo”.
 
Hay như chương trình “Ngày Chủ nhật đỏ” (hiến máu tình nguyện), khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo ở ngoại thành từ lâu đã trở thành “thương hiệu” của tổ chức Hội LHTNVN TP Cần Thơ. Ðặc biệt, giai đoạn 2018-2020, Ủy ban Hội LHTNVN thành phố phối hợp với Quỹ Hy vọng (quỹ từ thiện do Tập đoàn FPT và Báo điện tử VnExpress thành lập) triển khai dự án 100 cây cầu giao thông ở các huyện ngoại thành. Ðến nay, tuổi trẻ thành phố đã khởi công xây dựng 60 cây cầu và đưa vào sử dụng 57 cây cầu với tổng trị giá gần 23 tỉ đồng. Qua các phong trào, góp phần phát huy vai trò thanh niên trong thực hiện an sinh xã hội, chung sức cùng các cấp, các ngành xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
 
Bài, ảnh: QUỐC THÁI - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị