Một góc đô thị Ninh Kiều.
Nỗ lực phát triển kinh tế
Chặng đường 9 năm thực hiện NQ05, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong quận tập trung thực hiện nhiều giải pháp khai thác, phát huy tốt các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế theo đúng định hướng: thương mại, dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng và tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, thương mại, dịch vụ vẫn là ngành chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của quận.
Theo đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HÐND quận Ninh Kiều, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của quận cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức độ cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Ước năm 2020, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 76,02%, công nghiệp - xây dựng chiếm 23,97%, nông nghiệp chiếm 0,01%. Trên địa bàn hiện có 4.492 doanh nghiệp, 21 hợp tác xã và 20.370 hộ kinh doanh cá thể và 4.286 cơ sở nhỏ, không có địa điểm kinh doanh cố định đang hoạt động; so với năm 2011, tăng 1.914 doanh nghiệp, 4.023 hộ kinh doanh, giảm 144 cơ sở nhỏ. Tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2012-2020 tăng 12,78%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt 92.959 tỉ đồng, tăng gấp 5,28 lần so với năm 2011. Thu ngân sách ước năm 2020 được 1.426,14 tỉ đồng, tăng gấp 2,82 lần so năm 2011. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2012-2020 đạt 106.084 tỉ đồng, tăng bình quân 15,09%/năm...
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ thu hút mạnh nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại, năng động, là đầu mối giao thương hàng hóa, nơi tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng du lịch. Trên địa bàn quận có 15 siêu thị, trung tâm thương mại, 16 chợ truyền thống đang hoạt động. Ðồng thời, hình thành, phát triển các loại hình dịch vụ, kinh doanh mới, như: cửa hàng tiện lợi, chợ đêm, phố hàng rong, phố chuyên doanh, hệ thống bán hàng tự động tại các khu vui chơi, giải trí, thí điểm vận hành tuyến xe điện phục vụ du khách tham quan. Hệ thống nhà hàng, khách sạn cao cấp ngày càng phát triển đáp ứng yêu cầu phục vụ các hội nghị, hội thảo có quy mô quốc gia và quốc tế. Các dịch vụ tài chính - ngân hàng phát triển mạnh; nhiều trụ sở ngân hàng, dịch vụ tài chính lớn mở chi nhánh, điểm giao dịch trên địa bàn quận... Nhiều loại hình hoạt động dịch vụ khác tiếp tục phát triển, chất lượng nâng cao, nhất là dịch vụ bưu chính - viễn thông, bảo hiểm... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của quận, khẳng định vị trí, vai trò là đô thị trung tâm của thành phố.
Tập trung chỉnh trang đô thị
Song song với phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, xã hội trên địa bàn được tập trung đầu tư, hoàn thiện theo hướng hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo của quận và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hạ tầng giao thông phát triển, kết nối giao thông thuận lợi với các hạ tầng khác như sân bay Cần Thơ, các cụm cảng, khu công nghiệp. Giai đoạn 2012-2020, quận thực hiện 187 công trình; trong đó, 147 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Hơn 200 tuyến hẻm được đầu tư nâng cấp, mở rộng, nâng tỷ lệ tuyến hẻm được bê tông, trải nhựa đạt trên 92,5% (trong đó có 70,2% tuyến hẻm mở rộng trên 4m), góp phần chỉnh trang đô thị, đi lại thuận tiện, đầu tư kinh doanh phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các công trình “Ðường đèn nghệ thuật”, “Ðường hoa nghệ thuật”, trang trí các tuyến đường nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm, cầu đi bộ bến Ninh Kiều, sự kiện “Ngày hội du lịch - Ðêm hoa đăng Ninh Kiều, Cần Thơ” góp phần thu hút, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách và nhân dân.
Bên cạnh đó, trật tự kỷ cương đô thị luôn là chủ đề và khâu đột phá thực hiện xuyên suốt của quận Ninh Kiều. Qua đó, diện mạo đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng lối sống văn minh, cảnh quan môi trường sạch đẹp. Ða dạng hóa phương thức đầu tư khu dân cư, khu đô thị mới phát triển nhà ở, nâng cao tỷ lệ nhà kiên cố, giải tỏa nhà tạm trên và ven sông, rạch, vừa góp phần chỉnh trang đô thị, vừa cải thiện và ổn định đời sống dân cư. Ông Trịnh Minh Tuân ở phường Xuân Khánh, chia sẻ: “Người dân rất phấn khởi khi đường được mở rộng khang trang, các rạch được cải tạo, các công viên được chỉnh trang phục vụ vui chơi giải trí. Tốc độ phát triển của đô thị Ninh Kiều đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân”.
Công tác lập lại trật tự xây dựng, kỷ cương đô thị được các ngành, các cấp tăng cường, góp phần chỉnh trang đô thị, từng bước nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về trật tự đô thị, trật tự xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Trong tiến trình hội nhập, lãnh đạo quận Ninh Kiều chú trọng công tác đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tâm huyết, năng động, tận tụy phục vụ nhân dân. UBND các cấp trong quận, các cơ quan chuyên môn tập trung nâng cao năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đạt được những kết quả quan trọng.
Cán bộ phường Tân An hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân.
Quận đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, “Một cửa hiện đại” và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó, tất cả cơ quan, đơn vị trong quận được trang bị hệ thống thư điện tử; quận và 11 phường được trang bị phòng họp trực tuyến; nâng tỷ lệ văn bản trao đổi hoàn toàn dưới dạng văn bản điện tử không sử dụng văn bản giấy thông qua thực hiện chữ ký số; cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa triển khai đến tất cả các cơ quan hành chính, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều sáng kiến, giải pháp trong cải cách hành chính, như: ứng dụng zalo xây dựng trang tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính; mô hình “Nụ cười công sở”, “1 ngày không viết”; thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính... Bà Lê Thị Yến ở phường Tân An, cho biết: “Tôi đến làm thủ tục để được hưởng bảo trợ xã hội. Các cán bộ phường hướng dẫn tận tình để tôi làm các thủ tục thuận lợi”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo quận chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Toàn quận hiện có 455 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có 72 người có trình độ thạc sĩ (tăng 61 người so với năm 2012); 336 người có trình độ đại học (tăng 130 người); có 62 người trình độ cao cấp chính trị, cử nhân chính trị (tăng 26 người); 242 người trình độ trung cấp chính trị (tăng 65 người); 43 người đã qua bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính (tăng 30 người); ngạch chuyên viên có 254 người (tăng 38 người); 424 người có trình độ ngoại ngữ từ B trở lên; 431 người có trình độ tin học từ A trở lên. Từ năm 2012 đến nay, đã sắp xếp, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển và giới thiệu ứng cử 765 lượt cán bộ...
Ðồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HÐND quận Ninh Kiều, cho biết: Thời gian tới, Ðảng bộ quận sẽ tiếp tục huy động và khai thác đối đa các nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng quận Ninh Kiều thành đô thị văn minh hiện đại với các trung tâm dịch vụ tài chính cao cấp, các trung tâm thương mại lớn, hiện đại, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng, điểm thu hút du khách của vùng ÐBSCL và là một trọng điểm kinh tế của TP Cần Thơ. Ðẩy nhanh phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Ðồng thời, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự xã hội; xây dựng củng cố hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và ngày càng vững mạnh...
Bài, ảnh: THANH THY - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)