Chiều 31-3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận một số nội dung, trong đó có nguồn vốn cho sự phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chính phủ đã nghe, thảo luận báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách cho mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSC) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2021 - Ảnh: VGP
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ triển khai Nghị quyết 120, chúng ta đã làm nhiều việc với kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn mặn ngày càng khắc nghiệt. Nhiệm vụ phát triển bền vững ĐBSCL là nhiệm vụ cấp bách, rất khó khăn, cần có nguồn lực, nguồn vốn với các giải pháp đồng bộ, trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng nhất trí về nguyên tắc cho việc vay nguồn vốn quốc tế với tổng số khoảng 2 tỉ USD (của Ngân hàng Thế giới, của Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển ĐBSCL. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện quy hoạch ĐBSCL, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tách ra các dự án đầu tư cụ thể, xác định dự án đầu tư nào thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương thì cấp phát 100%, dự án nào thuộc trách nhiệm của tỉnh thì địa phương vay lại theo quy định hiện hành.
Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa Nghị định 97 theo hướng có tỉ lệ vay lại hợp lý hơn nhằm tạo thuận lợi cho các tỉnh khó khăn, trong đó có các tỉnh ĐBSCL, nhất là các giai đoạn bị tác động của Covid-19 còn kéo dài.
Tại phiên họp cuối cùng của Chính phủ khóa XIV trước khi kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại 5 năm qua, “Chúng ta đã đổi mới, cải cách mạnh mẽ, hành động quyết liệt, tháo gỡ những khó khăn, ách tắc để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao”, đã tháo gỡ nhiều thể chế, chính sách pháp luật để đưa đất nước tiến lên.
Kinh tế vĩ mô hiện ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát thấp. Quy mô nền kinh tế đã gấp 1,4 lần so với năm 2015. Đặc biệt, chúng ta thành công trong việc thực hiện "mục tiêu kép". Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá thành công ở Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 cho thấy một minh chứng điển hình về một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học có ý nghĩa đối với các nước đang phát triển.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra khi chỉ còn ít ngày nữa là bộ máy của Chính phủ sẽ được kiện toàn, "sẽ có người nhận nhiệm vụ mới, cương vị mới, có người nghỉ chế độ", Thủ tướng bày tỏ "cảm ơn các đồng chí về sự cộng tác, hợp tác hết sức chặt chẽ, trách nhiệm, liên tục, đặc biệt là trong khóa XIV này hết sức thành công; cảm ơn các đồng chí đã sát cánh với Thường trực Chính phủ trong suốt 5 năm qua".
"Tôi cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hỗ trợ Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dù ở cương vị nào nhưng tôi tin tưởng rằng từng đồng chí chúng ta sẽ tiếp tục đề cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, không ngừng đóng góp cho Đảng, Nhà nước, cho nhân dân, quyết tâm xây dựng đất nước chúng ta phồn thịnh, hùng cường trong thời gian tới"- Thủ tướng nói.
Sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế "Hộ chiếu vắc-xin"
Về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, thực hiện quyết liệt "5K + vắc-xin"; sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế "Hộ chiếu vắc-xin" để thúc đẩy thương mại, đầu tư.
Lưu ý dịch ở Campuchia đang diễn biến hết sức phức tạp, Thủ tướng yêu cầu các địa phương có đường biên giới với Campuchia nâng cao các biện pháp phòng dịch. Bộ Quốc phòng có các biện pháp chi viện cho các tỉnh phía nam có đường biên giới với Campuchia, duy trì nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát.
Yêu cầu đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin cũng như nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, Thủ tướng cho biết: "Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiêm mũi thứ 2 thử nghiệm vắc-xin trong nước, tôi có hỏi thăm thì biết sức khỏe của Phó Thủ tướng tốt. Chúng ta đẩy mạnh nhập khẩu vắc-xin nhưng nhiệm vụ sản xuất vắc-xin trong nước cũng rất quan trọng".
D.Châu (nld.com.vn)