Các đại biểu nghiên cứu, chia sẻ các kiến thức, kỹ năng bổ ích tại lớp tập huấn.
Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của bình đẳng giới (BÐG) và vì sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt là BÐG trong lĩnh vực chính trị, bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ BÐG, Bộ LÐ-TB&XH, cho biết: “Tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử luôn là một chỉ tiêu đặc biệt quan trọng của mục tiêu thúc đẩy BÐG trong lĩnh vực chính trị. Ðây cũng là chỉ số đánh giá mức độ tiến bộ của từng quốc gia trong lĩnh vực này. Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I đến tỷ lệ 26,8% của Quốc hội khóa XIV, song tỷ lệ này chưa thật sự vững chắc. Tỷ lệ nữ đại biểu HÐND các cấp những khóa gần đây cho thấy sự tiến bộ, nhưng còn thấp và còn xa mục tiêu. Vì vậy, cần phải có những biện pháp thúc đẩy BÐG cũng như những quy định cụ thể nhằm làm thay đổi nhận thức một cách tích cực hơn”.
Tại lễ khai mạc lớp tập huấn, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH nhấn mạnh, các năm qua, ngành LÐ-TB&XH thành phố đã phối hợp cùng sở, ban, ngành, đoàn thể tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về BÐG. BÐG là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người, là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Các đại biểu tham dự tập huấn hôm nay là những gương mặt ưu tú, đủ đức, đủ tài được cấp ủy đơn vị, địa phương tin tưởng, giới thiệu. Ðể phát huy được vai trò của phụ nữ tham gia đại biểu dân cử, nâng cao vị thế phụ nữ, thực hiện BÐG trên mọi lĩnh vực, mỗi chị phải xác định rõ nhiệm vụ công tác, xây dựng cho mình một chương trình hành động sát hợp, cụ thể, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của dân; cũng như xây dựng hình ảnh, tác phong, sự tự tin khi tiếp xúc với nhân dân.
Tham gia lớp tập huấn, chị em được bồi dưỡng các chuyên đề bổ ích liên quan đến vị trí, nhiệm vụ và tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội và HÐND; pháp luật về BÐG và sự tham gia của phụ nữ trong cơ quan dân cử; kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, xây dựng chương trình hành động, tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử, làm việc với các cơ quan truyền thông… Bên cạnh đó, các chị được diễn tập hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Chị Ðào Thị Kim Liên, Trung tâm Y tế quận Ô Môn, chia sẻ: “Do lần đầu tham gia ứng cử nên bản thân tôi không tránh khỏi bỡ ngỡ. Trước đây, tôi chỉ thực hiện công tác chuyên môn nên chưa thật sự mạnh dạn, tự tin khi nói trước đám đông. Tham gia lớp tập huấn, được giảng viên hướng dẫn rất kỹ về kỹ năng, tác phong, cách xây dựng và trình bày chương trình hành động, kỹ năng tiếp nhận và phản hồi ý kiến cử tri, tôi tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu”. Chị Nguyễn Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN quận Ninh Kiều, bộc bạch: “Trước đây, tôi cũng từng tham gia đại biểu HÐND phường nhưng lần này ứng cử cấp quận nên cảm thấy hồi hộp. Thuận lợi của tôi là công tác ở Hội LHPN quận nên thường xuyên tiếp cận, nắm được tình hình địa bàn dân cư và gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, đặc biệt là cán bộ, hội viên phụ nữ. Tôi mong muốn lớp tập huấn sẽ giúp bản thân nâng cao kiến thức, kỹ năng cũng như biết cách vận dụng để xây dựng chương trình hành động sát hợp”.
Theo báo cáo kết quả hiệp thương lần 3 (tính đến ngày 19-4-2021), TP Cần Thơ có 5 nữ ƯCV đại biểu Quốc hội khóa XV, chiếm tỷ lệ 50%; 39 nữ ƯCV đại biểu HĐND cấp thành phố, chiếm tỷ lệ 44,83%, 200 nữ ƯCV đại biểu HĐND cấp huyện, chiếm tỷ lệ 42,28%; 1.415 nữ ƯCV đại biểu HĐND cấp xã, chiếm tỷ lệ 41,15%. Có 9/9 quận, huyện và 78/83 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ nữ ƯCV từ 35% trở lên.
Bài, ảnh: QUỲNH LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)