Các đội tham dự cuộc thi tiểu phẩm tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đăng tác phẩm lên kênh Youtube “Truyền hình thanh niên Cần Thơ”, tạo sức lan tỏa đến cộng đồng.
Hơn 1 tuần triển khai cuộc thi tiểu phẩm tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bằng hình thức trực tuyến, do Thành đoàn Cần Thơ phát động, cả 5 cụm thi đua, mỗi cụm xây dựng 1 tiểu phẩm và quay video (mỗi video từ 12 đến 15 phút) đăng lên Youtube và Fanpage của Facebook Thành đoàn. Kết quả trao giải là tổng hợp điểm số ban giám khảo và số lượt bình chọn trực tuyến. Theo anh Huỳnh Ngọc Đoàn, Phó Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ, Đoàn trường được Cụm thi đua số 1 (gồm các đơn vị: Đoàn khối Cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ, Quận đoàn Ninh Kiều, Huyện đoàn Phong Điền và Đoàn Trường Đại học Nam Cần Thơ) giao nhiệm vụ xây dựng 1 tiểu phẩm tham gia cuộc thi. Anh Đoàn cho biết: “Do cuộc thi tổ chức trực tuyến nên giúp các đội dự thi tiết kiệm chi phí, từ thuê mướn sân khấu, băng rôn, số lượng thí sinh mỗi đội cũng hạn chế (dưới 10 người). Tuy nhiên, không vì thế mà tính lan tỏa cuộc thi bó hẹp lại, trái lại nhờ mạng xã hội, các tiểu phẩm đến với hàng ngàn bạn trẻ”. Chưa kể, các tiểu phẩm dự thi còn được ban tổ chức tận dụng làm công cụ truyền thông trong các hoạt động tuyên truyền về cuộc bầu cử. Nhờ nội dung hấp dẫn, phương tiện chuyển tải hiện đại và tiện lợi, ĐVTN có thể dễ dàng tìm hiểu các quy định pháp luật về bầu cử, cũng như quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử.
Con số 3.042 sinh viên tham gia cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND”, do Đoàn trường Đại học Cần Thơ tổ chức cũng cho thấy việc lựa chọn hình thức thi trực tuyến được nhiều bạn trẻ tích cực hưởng ứng. Cuộc thi chỉ diễn ra đúng 1 tuần (từ ngày 11 đến 17-5) nhưng thu hút 4.432 lượt thi. Cách thức thi được thiết kế dưới dạng hỏi - đáp. Cụ thể, thí sinh trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm trong 15 phút, mỗi thí sinh được dự thi tối đa 2 lần. Trong tình hình sinh viên chuyển sang học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19, sân chơi này đã góp phần phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, nâng cao hiểu biết pháp luật của sinh viên. Nhiều năm qua, Đoàn trường Đại học Cần Thơ cũng tận dụng nền tảng trực tuyến để triển khai nhiều chương trình, cuộc thi, nổi bật như: Hội thi Olympic các môn khoa học Lý luận chính trị và Tư tưởng Hồ Chí Minh; Olympic tiếng Anh trong sinh viên, thu hút hàng chục ngàn sinh viên tham gia.
Từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ sở Đoàn còn năng động, sáng tạo, khai thác tối đa các nền tảng trực tuyến để triển khai các hoạt động, phong trào thanh thiếu nhi. Theo anh Nguyễn Phạm Quốc Anh, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Tây Đô, các cơ sở Đoàn có thể tận dụng lựa chọn các ứng dụng được cung cấp miễn phí (hoặc có trả phí để được cung cấp đầy đủ chức năng) phục vụ hội họp, học tập trực tuyến và làm việc theo đội, nhóm. Những ứng dụng này rất phù hợp trong các hoạt động tập thể nhưng đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Thế nhưng theo Quốc Anh, quan trọng hơn, khi học tập và làm việc trên môi trường mạng, bạn trẻ dần nâng cao ý thức tự lập, kỹ năng lập kế hoạch và có động cơ để chủ động các hoạt động, phong trào. Đây là điều mà các cơ sở Đoàn hướng đến nhằm nâng cao tính trách nhiệm, tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ.
Ở Đoàn khối Cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ, hơn 1 năm qua, nhiều buổi lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn, các hội thi, tọa đàm đều được Đoàn khối phát trực tuyến trên Fanpage của Đoàn khối. Còn tuổi trẻ Đoàn khối Doanh nghiệp TP Cần Thơ, các chương trình tuyên truyền, giáo dục cũng chuyển sang trực tuyến qua trang thông tin điện tử của Đoàn khối hoặc Fanpage. Đơn cử như cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), được Đoàn khối tổ chức trực tuyến. Cuộc thi vừa tiết kiệm chi phí hậu cần, vừa đảm bảo công bằng, khách quan và thu hút đông đảo đoàn viên tham gia.
Ở cấp độ toàn quốc, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh còn xây dựng nhiều nền tảng trực tuyến. Tiêu biểu như: ứng dụng di động “Thanh niên Việt Nam” được ra mắt vào cuối tháng 12-2020, với mong muốn xây dựng một nền tảng hiện đại để kết nối ĐVTN; kênh cung cấp thông tin chính thống, kịp thời; hỗ trợ đoàn viên, hội viên, thanh niên tìm kiếm thông tin về học tập, nghề nghiệp, việc làm và các dịch vụ, tiện ích khác. Ứng dụng này còn là nền tảng triển khai các cuộc thi trực tuyến do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTNVN và Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức. Hay như Cổng thông tin kết nối tình nguyện ra mắt từ tháng 9-2020, kết nối hàng trăm câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện. Các nền tảng trực tuyến góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục ĐVTN; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời tới các bạn trẻ những thông tin cơ bản về tổ chức Đoàn - Hội. Quan trọng hơn, từ các nền tảng trực tuyến đã và đang thay đổi tư duy, phương thức và ý thức tham gia các hoạt động, phong trào thanh niên theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: DÂN AN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)