Ngày 11-12, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tổ chức hội thảo "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam".
Các Ủy viên Bộ Chính trị gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo; Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết triển khai Nghị quyết Đại hội lần XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa vào Chương trình làm việc nhiệm kỳ 2021-2026 nhiệm vụ xây dựng, ban hành Nghị quyết Trung ương về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đây là một công việc rất hệ trọng, góp phần quyết định đối với thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới đây.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo Ảnh: NHẬT BẮC
Trong 6 tháng qua, Ban Chỉ đạo đã triển khai rất khẩn trương nhiều hoạt động, huy động các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị tham gia nghiên cứu, tổng kết, đề xuất các vấn đề thuộc nội dung của Nghị quyết (theo 27 chuyên đề). Theo kế hoạch xây dựng đề án, dự kiến sẽ có 3 cuộc hội thảo được tổ chức và đây là cuộc hội thảo thứ nhất với mục đích làm rõ hơn, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn - những vấn đề cốt lõi đang đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào những vấn đề về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thời gian qua, nhất là những vấn đề về Đảng cầm quyền trong thiết chế Nhà nước pháp quyền; về quyền con người, quyền công dân; về bảo đảm chủ quyền nhân dân; về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; về kiểm soát quyền lực Nhà nước; về bảo vệ Hiến pháp; về mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, dân chủ XHCN…
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện có đầy đủ cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn, là sự vận dụng sáng tạo, hợp lý tri thức về Nhà nước pháp quyền của thế giới vào thực tiễn Việt Nam, vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một Nhà nước pháp quyền, vừa mang những nét đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. "Đó là sự đổi mới tư duy lý luận về Nhà nước của Đảng ta, từ tư duy lý luận về Nhà nước chuyên chính vô sản sang tư duy lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN" - Chủ tịch nước khẳng định.
Theo đó, các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam xác định nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ XHCN. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng các cam kết quốc tế với tư cách là một thành viên.
Chủ tịch nước nhấn mạnh qua các văn kiện và tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền, có thể khẳng định xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của Nhà nước Việt Nam, là nguyện vọng, sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với các xu hướng phát triển Nhà nước, của đất nước ta với tình hình thế giới, đã được Đảng ta cân nhắc kỹ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nước ta.